Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc nỗ lực cải thiện quan hệ với Nhật Bản

2019-05-24

Tin tức

Hàn Quốc nỗ lực cải thiện quan hệ với Nhật Bản

Tình hình quan hệ Hàn-Nhật

Hàn Quốc đang cho thấy những nỗ lực tìm lối thoát cho những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao Hàn-Nhật, tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng thường niên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại thủ đô Paris (Pháp) ngày 23/5, cũng chỉ dừng lại ở mức xác định lập trường mâu thuẫn giữa hai bên. Trong sách Xanh Ngoại giao 2018, về mối quan hệ với nước láng giếng Hàn Quốc, Nhật Bản đã xóa cụm từ “hữu nghị”, thay vào đó chỉ đề cập đến những vấn đề mâu thuẫn.


Bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao am hiểu các vấn đề về Nhật Bản

Trong bối cảnh này, một trong những nỗ lực đầu tiên của Seoul là thay thế nhân sự. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/5 đã bổ nhiệm Giám đốc Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc Cho Sei-young làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, một người thông thạo về Nhật Bản, tức nhà ngoại giao đã từng du học Nhật Bản và làm việc ở Đại sứ quán Hàn Quốc tại Nhật Bản, mới được giao trọng trách làm Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc. Theo đó, điều này đã phản ánh được quyết tâm của Tổng thống Moon Jae-in trong việc cải thiện mối quan hệ với Tokyo.

Tân Thứ trưởng Ngoại giao Cho Sei-young đã từng làm việc tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Nhật Bản với tư cách là Thư ký thứ hai, Trưởng bộ phận phụ trách kinh tế, Tham tán công sứ. Tại Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Cho từng giữ vai trò là Trưởng Ban Thương mại khu vực Đông Bắc Á và Vụ trưởng Đông Bắc Á. Tân Thứ trưởng Cho cũng từng thông dịch tiếng Nhật cho các Tổng thống Kim Young-sam và Tổng thống Kim Dae-jung. Có thể nói, ông Cho đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan đến Nhật Bản. 

Dưới thời Chính phủ Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, tân Thứ trưởng Cho đã giữ chức Phó Chủ tịch Nhóm chuyên trách xem xét lại Thỏa thuận Hàn-Nhật về vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho binh lính Nhật thời chiến. Ông cũng đã từng rút lui khỏi chính trường do bị chỉ trích có liên quan đến việc thảo luận không minh bạch về Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật vào năm 2012. Tháng 9 năm ngoái, ông Cho được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, tương đương chức Thứ trưởng Ngoại giao. Và sau đó 8 tháng, ông Cho Sei-young đã chính thức trở thành Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc.


Lập trường của tân Thứ trưởng Ngoại giao

Điểm đáng chú ý là nhận thức của tân Thứ trưởng Cho về vấn đề cưỡng bức lao động thời đế quốc Nhật. Phát biểu trong lễ nhậm chức Giám đốc Học viện Ngoại giao quốc gia tháng 12 năm ngoái, ông Cho khẳng định cần phải công nhận hiện thực rằng vẫn tồn tại một khung để giải quyết vấn đề cho dù là không hoàn hảo. Đồng thời, ông bày tỏ bản thân đang trăn trở về việc làm sao có thể khắc phục được những vấn đề mâu thuẫn với Nhật Bản không được đề cập đến trên cơ sở đó. Nội dung mà ông Cho muốn nhấn mạnh đến ở đây được hiểu là cần phải công nhận “khung” Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật ký kết năm 1965 và tìm ra giải pháp tháo gỡ vấn đề. Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật có nội dung là Tokyo chi trả cho Seoul khoản tiền bồi thường cùng tiền cho vay. Căn cứ vào đó, phía Nhật Bản khẳng định đã hoàn tất việc bồi thường và đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, Hàn Quốc cho rằng quyền yêu sách cá nhân vẫn không bị mất đi.


Nỗ lực khác của Chính phủ Hàn Quốc

Một điểm đáng quan tâm nữa là những tin tức liên quan đến việc Chính phủ Hàn Quốc đã tiếp xúc với phía nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời đế quốc Nhật. Đài phát thanh và truyền hình Nhật Bản (NHK) ngày 23/5 đưa tin: một quan chức Chính phủ Hàn Quốc đã thăm dò việc các nạn nhân có thể hoãn lại thủ tục bán tài sản tại Hàn Quốc của các doanh nghiệp Nhật Bản đã từng cưỡng chế lao động thời chiến hay không. Hiện tại, tài sản ở Hàn Quốc của các doanh nghiệp Nhật Bản đang bị tịch thu do các doanh nghiệp này không thực hiện phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về việc bồi thường cho các nạn nhân. Liên quan đến vấn đề này, đài NHK cho biết phía các nạn nhân đã không chấp thuận yêu cầu của Chính phủ, đồng thời nhận định rằng Seoul dường như đang nỗ lực tìm đầu mối để cải thiện quan hệ Hàn-Nhật.


Về mặt hình thức, hiện vẫn không thấy được một lối thoát nào cho mối quan hệ Hàn-Nhật đang trong tình trạng đóng băng. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là hai bên đang nỗ lực tìm kiếm đầu mối tháo gỡ những mẫu thuẫn song phương.



Lựa chọn của ban biên tập