Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Kỷ niệm 69 năm ngày nổ ra chiến tranh Triều Tiên

2019-06-29

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày nổ ra chiến tranh Triều Tiên (25/6/1950), nhiều hoạt động kỷ niệm đa dạng đã được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước. Một ngày trước đó, hôm 24/6, Tổng thống Moon Jae-in đã mời những người có công và gia quyến các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh tới Phủ Tổng thống dự tiệc trưa.

 

Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ

Chiến tranh Triều Tiên nổ ra sau vụ Bắc Triều Tiên bất ngờ tấn công xuống phía Nam bán đảo Hàn Quốc vào ngày 25/6/1950. Trước đó, sau khi chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc vào năm 1945, bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, lấy ranh giới là vĩ tuyến 38 độ Bắc. Quân đội Liên Xô tiếp quản miền Bắc, trong khi Mỹ cử binh lực đóng tại miền Nam. Sau đó, quân đội Liên Xô đã cắt đứt hoàn toàn liên lạc và giao thông qua lại, chính thức xác lập tình trạng chia cắt giữa hai miền. Năm 1948, mỗi miền thiết lập một Chính phủ riêng, đối đầu với nhau.

Hai tháng sau vụ tấn công phủ đầu nói trên, quân đội miền Bắc tiến đánh xuống toàn bộ khu vực miền Nam, ngoại trừ một số vị trí tận cùng phía Đông Nam bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, vào ngày 15/9/1950, quân đội Liên hợp quốc chính thức phản công, khởi đầu bằng cuộc đổ bộ Incheon, thành phố cảng phía Tây Hàn Quốc. Đến tháng 10 cùng năm, quân Liên hợp quốc tiến đến sát khu vực sông Amnok (còn gọi là sông Áp Lục) và sông Duman, thuộc khu vực biên giới giữa miền Bắc với Trung Quốc và Nga, tưởng chừng như sắp sửa đạt đến thống nhất hai miền. Tuy nhiên, cục diện chiến tranh xoay chuyển sang hướng mới sau khi Trung Quốc điều quân can thiệp vào tháng 11 năm 1950. Quân đội miền Nam và quân đội Liên hợp quốc một lần nữa bị đẩy sâu xuống miền Trung bán đảo Hàn Quốc. Sau đó, cuộc chiến rơi vào thế giằng co bất phân thắng bại với nhiều trận đánh nhỏ lẻ. Tháng 7 năm 1951, Hội đàm đình chiến bắt đầu diễn ra tại làng Bàn Môn Điếm, thành phố Gaesung, miền Bắc và kéo dài căng thẳng trong suốt gần hai năm. Đến ngày 27/7/1953, các bên tiến hành ký kết Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên.

 

Thiệt hại và khắc phục hậu quả chiến tranh

Toàn bộ bán đảo Hàn Quốc trở thành đống tro tàn sau cuộc chiến tranh kéo dài hơn ba năm. Ước tính có khoảng 1 triệu dân thường miền Nam, 1,5 triệu dân thường miền Bắc thiệt mạng trong cuộc chiến. Số binh lính thiệt mạng ở miền Nam là 620.000 người, ở miền Bắc là 930.000, quân đội Trung Quốc là 1 triệu người, quân Liên hợp quốc là 160.000 người. Do hầu hết cơ sở hạ tầng bị phá hủy, Hàn Quốc phải dựa vào nguồn viện trợ từ cộng đồng quốc tế để vực dậy từ đống tro tàn. Sau đó, kinh tế Hàn Quốc trải qua thời kỳ phát triển vào những năm 1960-1970. Nhờ công nghiệp hóa thành công, Hàn Quốc từ một trong những quốc gia nghèo nhất sau chiến tranh, trở thành một trong 10 cường quốc thương mại hàng đầu thế giới, thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20).

 

Bài toán đặt ra sau 69 năm

Sự chia cắt và cơ chế đình chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ vẫn đang cản trở con đường phát triển của Hàn Quốc, là căn nguyên dẫn tới nhiều mâu thuẫn trong xã hội mỗi khi dấy lên vấn đề liên quan đến Bắc Triều Tiên.

Bài toán lớn nhất đặt ra hiện nay là vấn đề hạt nhân miền Bắc. Phải giải quyết được vấn đề này thì mới có thể khắc phục được tình trạng chia cắt, thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, xây dựng trật tự an ninh mới cho toàn bộ khu vực Đông Bắc Á. Dư luận Hàn Quốc hiện đang chia làm hai phe, một phe cho rằng Chính phủ cần phải cứng rắn với Bắc Triều Tiên, phe còn lại ủng hộ xúc tiến hòa giải liên Triều. Sự mâu thuẫn này cũng thể hiện rõ trong đợt kỷ niệm 69 năm nổ ra chiến tranh Triều Tiên vừa qua. Một số tổ chức dân sự theo khuynh hướng bảo thủ nhấn mạnh về trách nhiệm của Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh và các vụ bắt cóc con tin miền Nam, yêu cầu Bình Nhưỡng phải xin lỗi. Ngược lại, các tổ chức theo khuynh hướng tiến bộ cho rằng, Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh ở quận Yongsan, Seoul, phải thay đổi phương thức trưng bày hiện vật theo hướng kích động tâm lý thù địch với miền Bắc như hiện nay.

Trong khi đó, chính giới đều thể hiện quyết tâm bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, trong khi đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành nhấn mạnh việc thiết lập cơ chế hòa bình bán đảo Hàn Quốc, thì đảng Hàn Quốc tự do, đảng đối lập lớn nhất tại Quốc hội, lại chỉ trích chính sách an ninh lỏng lẻo của Chính phủ đương nhiệm.

Lựa chọn của ban biên tập