Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc

2019-07-06

Tin tức

ⓒYONHAP News

Một quan chức thương mại ngày 3/7 cho biết, Chính phủ đã bắt đầu xem xét về mặt pháp lý phương án khởi kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) liên quan đến việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc. Trước đó, vào ngày 1/7, Nhật Bản tuyên bố loại Hàn Quốc khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi về đơn giản hóa quy trình xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao có vai trò quan trọng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình, bắt đầu từ ngày 4/7.

 

Quy chế xuất khẩu

Ba mặt hàng trên là nhựa nhiệt dẻo dùng trong sản xuất màn hình tivi, smartphone; chất cản màu và khí ăn mòn dùng trong sản xuất chíp bán dẫn. Từ trước tới nay, Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào Nhật Bản về nguồn cung ba mặt hàng này, nên sẽ rất khó để ngay lập tức tìm được các nguồn nhập khẩu thay thế khác. Nhập khẩu nhựa nhiệt dẻo, một nguyên liệu thiết yếu dùng trong sản xuất màn hình OLED, trong vòng từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay đạt khoảng 12,96 triệu USD, trong đó có 93,7% nhập khẩu từ Nhật Bản. Kim ngạch nhập khẩu chất cản màu, vật liệu được sử dụng trong sản xuất chíp bán dẫn và màn hình, đạt 112,66 triệu USD, trong đó cũng có tới 91,9% là nhập khẩu từ Nhật Bản. Nhập khẩu khí ăn mòn, nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình sản xuất chíp bán dẫn, đạt kim ngạch 64,79 triệu USD, trong đó có tới 43,9% nhập khẩu từ Nhật Bản.

Do Hàn Quốc không còn nằm trong danh sách ưu đãi, nên bắt đầu từ ngày 4/7, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phải trình Chính phủ nước này phê duyệt mỗi khi xuất khẩu ba mặt hàng trên sang Hàn Quốc. Tức, Tokyo có thể sẽ không cho phép xuất khẩu các mặt hàng quan trọng này sang Seoul.

 

Ý nghĩa và ảnh hưởng

Chính phủ Nhật Bản giải thích, biện pháp này được đưa ra là do quan hệ tin tưởng giữa hai nước đã bị tổn hại nghiêm trọng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng đây là một điều chỉnh sau khi xét đến tình hình quan hệ tin tưởng giữa hai quốc gia. Trên thực tế, qua phát biểu này, Thủ tướng Nhật Bản đã gián tiếp thừa nhận rằng đó là một biện pháp trả đũa kinh tế liên quan đến việc Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao đồng thời chiến của Hàn Quốc.

Biện pháp trả đũa của Nhật Bản dự kiến sẽ gây ra cú sốc lớn với doanh nghiệp sản xuất chíp bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc. Mặc dù kim ngạch nhập khẩu ba mặt hàng này từ Nhật Bản không lớn, nhưng đây đều là những vật liệu thiết yếu để sản xuất màn hình và chíp bán dẫn, dự kiến sẽ gây trở ngại lớn tới quá trình sản xuất hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 170.000 tỷ won (145,3 tỷ USD).

 

Đối sách của Chính phủ

Trong bài phỏng vấn với báo Yomiuri ngày 2/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe biện minh rằng, biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu trên là phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), không liên quan đến thương mại tự do. Trong khi đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 4/7 đã mở cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), khẳng định biện pháp siết chặt quy định xuất khẩu của Nhật Bản mang tính chất là động thái "trả đũa", vi phạm quy định của WTO và luật pháp quốc tế. Cụ thể, Seoul nhận định động thái của Tokyo đã vi phạm Điều 11 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), có nội dung cấm các nước áp đặt hạn chế về số lượng trong thương mại nếu không có yếu tố nào gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh. Phủ Tổng thống cho biết sẽ tích cực đối phó bằng biện pháp ngoại giao để yêu cầu Nhật Bản rút lại biện pháp trên. Cùng với đó, Seoul sẽ giải thích với cộng đồng quốc tế về hành động không chính đáng của Tokyo, bao gồm cả phương án khởi kiện lên WTO.

Trước đó, Hàn Quốc từng thắng Nhật Bản trong vụ kiện về thủy hải sản. Đó là vụ việc Tokyo đệ đơn kiện Seoul lên WTO vào tháng 5 năm 2015, liên quan đến việc Hàn Quốc cấm nhập khẩu thủy hải sản từ 8 tỉnh, thành của nước này chịu ảnh hưởng từ vụ rò rỉ phóng xạ năm 2011. Tuy nhiên, ngày 11/4 vừa qua, Cơ quan phúc thẩm của WTO đã lật lại phán quyết sơ thẩm, tuyên Hàn Quốc thắng kiện.

Dù lần này Hàn Quốc quyết định khởi kiện Nhật Bản lên WTO, song quá trình kiện tụng dự kiến sẽ tốn khá nhiều thời gian, vì phải trải qua các quy trình là tham vấn song phương, lập Ban hội thẩm, phán quyết sơ thẩm. Do đó, dự kiến doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ khó tránh khỏi thiệt hại từ biện pháp trả đũa của Nhật Bản. Nội bộ doanh nghiệp và dư luận Nhật Bản cũng đang dấy lên ý kiến chỉ trích mạnh mẽ động thái trả đũa của Chính phủ nước này. Trước thực tế này, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương sẽ đối phó một cách linh hoạt tùy theo diễn biến tình hình.

Lựa chọn của ban biên tập