Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Dự báo phương hướng đối thoại Mỹ-Triều

2019-07-06

Tin tức

ⓒYONHAP News

Trang tin mạng Axios của Mỹ ngày 2/7 dẫn phát biểu của Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegunnói rằng nước Mỹ mong muốn Bắc Triều Tiên “đóng băng hoàn toàn” các chương trình vũ khí hủy diệt của nước này. Phát ngôn này được đưa ra trong bối cảnh Washington và Bình Nhưỡng đang chuẩn bị khởi động lại đàm phán cấp chuyên viên, một nội dung nhất trí trong hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Bàn Môn Điếm ngày 30/6, để ngỏ khả năng về sự thay đổi lập trường của Mỹ trong vấn đề hạt nhân miền Bắc.

 

Phát biểu của Đặc phái viên hạt nhân Mỹ

Nội dung trên được Đặc phái viên Biegun đưa ra với báo giới khi đang trên máy bay trở về nước vào ngày 30/6, sau chuyến thăm Hàn Quốc. Ông Biegun khẳng định, Washington muốn thảo luận với Bình Nhưỡng về khái niệm “đóng băng hạt nhân”, cũng như lộ trình giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Đặc phái viên Mỹ nêu rõ, điều đó không có nghĩa là Chính phủ Tổng thống Donald Trump từ bỏ mục tiêu “phi hạt nhân hóa một cách toàn diện”. Mỹ sẽ không nới lỏng cấm vận chừng nào chưa đạt được phi hạt nhân hóa miền Bắc. Trong thời gian tới, nhóm đàm phán của Mỹ có thể sẽ tiếp cận vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách linh hoạt hơn. Nói cách khác, dù miền Bắc có đóng băng các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt đi chăng nữa thì Mỹ cũng sẽ chưa dỡ bỏ ngay cấm vận. Thay vào đó, Washington có thể nhượng bộ theo một cách khác, như viện trợ nhân đạo, cải thiện quan hệ ngoại giao song phương.

Sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 30/6 tại Bàn Môn Điếm, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ thành lập nhóm đàm phán cấp chuyên viên trong vòng hai đến ba tuần tới, đứng đầu là Đặc phái viên Biegun. Trước đó, khi phát biểu tại một sự kiện do viện nghiên cứu chính sách Nhà nước của Mỹ tổ chức vào ngày 19/6, ông Biegun đã nhấn mạnh về tính cần thiết của việc tiếp cận vấn đề Bắc Triều Tiên một cách linh hoạt hơn. Phát ngôn mới nhất của ông Biegun đã nêu cụ thể về phương pháp tiếp cận linh hoạt này, cho thấy Mỹ đang trong quá trình lập ra “khung đàm phán”, chuẩn bị cho việc nối lại đối thoại với miền Bắc. Điểm đáng chú ý ở đây là cụm từ “đóng băng”. Mỹ đang lấy việc đóng băng hạt nhân là “cánh cửa” cho lộ trình giải trừ hạt nhân, từ đó thực hiện các bước đi tương ứng tiếp theo. Cách tiếp cận này mang tính nhượng bộ hơn ít nhiều so với lập trường “thỏa thuận trọn gói” của Mỹ trước đây, tức Washington đang chuyển sang hướng tiếp cận theo từng giai đoạn lớn. Về điều này, nội bộ chính giới Mỹ có ý kiến hoài nghi rằng, Chính phủ Trump đã điều chỉnh mục tiêu “phi hạt nhân hóa một cách toàn diện”, sang đóng băng các chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, loại bỏ mối uy hiếp trực tiếp đến nước Mỹ từ tên lửa đạn đạo của miền Bắc.

 

Phương hướng đối thoại phi hạt nhân hóa

Bắc Triều Tiên đã thông báo với Mỹ về nhân sự mới đứng đầu nhóm đàm phán cấp chuyên viên của nước này, là cựu Đại sứ miền Bắc tại Việt Nam Kim Myong-gil. Điều này cho thấy cả Mỹ và Bắc Triều Tiên đều đã chính thức chuẩn bị khôi phục đàm phán song phương, căn cứ theo nội dung nhất trí giữa lãnh đạo hai nước tại Bàn Môn Điếm. Quá trình đàm phán sắp tới phụ thuộc nhiều vào việc liệu kế hoạch đàm phán mà Mỹ đã chuẩn bị sẽ phát huy hiệu quả ra sao. Việc Washington giảm nhẹ mục tiêu hàng đầu, từ “phi hạt nhân hóa một cách toàn diện” sang “đóng băng hạt nhân hoàn toàn” được đánh giá là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, không phải vì thế mà quá trình đàm phán sẽ có thể diễn ra một cách dễ dàng. Đó là bởi hai nước được dự báo sẽ mâu thuẫn quan điểm trong khái niệm “đóng băng hạt nhân”. Trước đó, tại hội đàm thượng đỉnh song phương ở Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua, Mỹ đã yêu cầu Bắc Triều Tiên phải phá dỡ tất cả các cơ sở hạt nhân bí mật của nước này, ngoài tổ hợp hạt nhân Yongbyun. Do đó, nhiều khả năng hai bên sẽ lại có sự mâu thuẫn tương tự trong quá trình thảo luận về việc đóng băng hạt nhân. Ngoài ra, hai bên cũng bất đồng quan điểm về giá trị của tổ hợp hạt nhân Yongbyun. Giới chuyên gia Mỹ nhận đinh việc phá dỡ cơ sở này không mang nhiều ý nghĩa, bởi thực tế nó đã sắp hết tuổi thọ hoạt động.

Bên cạnh đó, cũng chưa rõ liệu Bắc Triều Tiên có hưởng ứng “các bước đi tương ứng” mà ông Biegun đề xuất, như viện trợ nhân đạo, giao lưu nhân lực, thiết lập văn phòng đại diện tại mỗi nước, hay không. Đây vừa không phải là những nội dung mới, cũng vừa không đúng như mong muốn của miền Bắc là được dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận.

Lựa chọn của ban biên tập