Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bắt đầu thi hành luật “Cấm bắt nạt ở nơi làm việc”

2019-07-16

Tin tức

Bắt đầu thi hành luật “Cấm bắt nạt ở nơi làm việc”

Tục “Đốt cháy” và vấn đề bắt nạt ở nơi làm việc 

Luật “Cấm bắt nạt ở nơi làm việc” là pháp luật sửa đổi về tiêu chuẩn lao động và luật này được đưa ra để ngăn chặn người cấp trên có hành vi lộng quyền, quấy phá, yêu cầu cấp dưới làm những việc không liên quan đến công việc chính thức. Lý do luật này được đưa ra là vì ở bệnh viện Hàn Quốc, thường có tục được gọi là “đốt cháy” trong cộng đồng y tá. “Đốt cháy” mang ý nghĩa “làm đốt cháy tinh thần và thể lực của y tá đến mức trở thành đống tro tàn”, tức là các y tá tiền bối rèn luyện y tá hậu bối nhằm làm tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, đối với người bị “đốt cháy”, đây là vấn đề bắt nạt không thể chịu được. Trong thời gian gần đây, một số y tá đã tự tử và theo di chúc để lại, văn hóa “đốt cháy” của cộng đồng y tá là nguyên nhân chính khiến những người này quyết định tự sát và vấn đề đang được dư luận quan tâm.


Các chuyên gia nhận định điều kiện làm việc vất vả của các y tá đã khiến tục “đốt cháy” trở nên tồi tệ hơn. Công việc của các y tá trực tiếp gắn liền với sinh mạng của con người nên một lỗi nhỏ cũng không được chấp nhận. Trong khi số người làm việc hạn chế còn công việc lại quá nhiều, khiến cho tinh thần của các y tá căng thẳng hơn và tục “đốt cháy” phát triển lên một cách quá mức, biến thành những người cấp trên bắt nạt người cấp dưới. Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến do Hiệp hội y tá Hàn Quốc thực hiện, 40,9% y tá trả lời rằng mình đã bị bắt nạt trong vòng một năm qua. Thời gian làm việc bình quân của y tá là 5,4 năm và 33,9% y tá sau một năm chuyển nơi làm việc mới bắt đầu đi làm ở bệnh viện. Nhiều ý kiến cho rằng điều kiện làm việc vất vả và tục lệ “đốt cháy” đã khiến nhiều y tá chuyển nơi làm việc và không thể làm việc lâu dài.


Luật “Cấm bắt nạt” quy định các hành vi quấy phá của cấp trên

Các vấn đề liên quan đến thông lệ của khối y tá đã được mở rộng thành vấn đề bắt nạt ở nơi làm việc. Chính giới Hàn Quốc thúc đẩy sửa đổi pháp luật liên quan và dự luật “Cấm bắt nạt” này đã được Quốc hội thông qua vào cuối năm ngoái. Luật “Cấm bắt nạt” được thi hành từ ngày 16/7, quy định hành vi bắt nạt ở nơi làm việc theo 3 điều kiện như sau: thứ nhất, người chủ hoặc người lao động lạm dụng quyền hạn của mình; thứ hai, yêu cầu người lao động khác làm việc vượt quá phạm vi công việc chính đáng; thứ ba có hành động gây ra nỗi đau thể chất, tinh thần, tình cảm cho người lao động khác hoặc làm xấu đi môi trường làm việc. Nếu đáp ứng được cả ba điều kiện này, nó được cho là hành vi bắt nạt ở nơi làm việc. Luật sửa đổi đã quy định về nghĩa vụ của công ty khi xảy ra trường hợp bắt nạt, trong đó có cách xử lý người gây thiệt hại và nạn nhân, nhưng không quy định về biện pháp trừng phạt người gây thiệt hại. Như vậy, luật này đã được đưa ra để khuyến khích các công ty tự ngăn chặn các hành vi bắt nạt và khi xảy ra vấn đề thì xử lý đúng cách.


Luật mới có thể giúp cải thiện nhận thức về hành vi bắt nạt

Mặc dù luật “Cấm bắt nạt” được thi hành, nhưng việc bắt nạt, quấy phá không thể hoàn hoàn chấm dứt ngay lập tức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng luật này sẽ giúp mọi người thay đổi nhận thức và cải thiện văn hóa ở nơi làm việc. Mặt khác, trường hợp người cấp trên có lời nói không phù hợp với cấp dưới thì cũng có thể bị gán tội bắt nạt, nên có thể giúp cải thiện nhận thức về hành vi bắt nạt ở nơi làm việc. Trước đó, vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được công chúng rất quan tâm và thực tế việc thi hành các luật liên quan đến quấy rối tình dục đã giúp cải thiện nhận thức rõ rệt về vấn đề này trong xã hội Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập