Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chính phủ cho phép hoạt động cung cấp dịch vụ taxi công nghệ

2019-07-17

Tin tức

Chính phủ cho phép hoạt động cung cấp dịch vụ taxi công nghệ

Tạo ra nền tảng tương sinh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ 

Phương án cải thiện quản lý taxi có nội dung là cải thiện dịch vụ taxi truyền thống và xây dựng quy định quản lý dịch vụ taxi công nghệ, hay còn gọi là “taxi nền tảng ứng dụng” (Platform taxi). “Taxi công nghệ” là dịch vụ gọi xe trực tuyến dựa trên công nghệ do các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cung cấp. Phương án này được đưa ra để giải quyết mâu thuẫn với giới doanh nghiệp taxi truyền thống và thúc đẩy các dự án cải cách vận tải. Trước tiên, Chính phủ cho phép hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng gọi xe, tức là các đơn vị vận hành “taxi công nghệ” một cách hợp pháp, nhưng phải đóng góp tài chính theo quy mô kinh doanh. Số tiền này sẽ được dùng để điều chỉnh số lượng taxi truyền thống, hỗ trợ tài xế taxi và cải thiện dịch vụ. Như vậy, Chính phủ sẽ hướng tới sự tồn tại của hai mảng đối lập là ngành cung cấp dịch vụ di chuyển mới và taxi truyền thống.


Đối mặt sự phản đối mãnh liệt của giới taxi truyền thống

Taxi nền tảng ứng dụng, trong đó Uber được cho là một ví dụ điển hình của cải cách, mang tính đột phá. Tuy nhiên, Uber không thể tránh khỏi sự xung đột với giới doanh nghiệp taxi vốn có. Thông qua ứng dụng gọi xe, Uber có thể kết nối hành khách với tài xế, mang lại lợi nhuận cao nhờ sở hữu nền tảng công nghệ. Hãng này không cần mua xe ô tô, tuyển dụng tài xế, trong khi đó, các tài xế cũng không bị công ty taxi bó buộc, có thể hoạt động một cách tự do, chủ động sắp xếp thời gian và nhận được thu nhập cao. Ngoài ra, hành khách cũng có thể sử dụng taxi một cách dễ dàng và thuận tiện, gọi xe bất cứ lúc nào cần và giá cước đã được xác lập nên không cần lo bị trả hớ. Như vậy, đây là một mô hình đổi mới trong ngành vận tải mà cả ba bên đều có thể hài lòng. Tuy nhiên, dịch vụ xe công nghệ này đã gây không ít khó dễ với ngành taxi truyền thống tại nhiều nước trên thế giới và Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Do sự phản đối quyết liệt của giới kinh doanh taxi trong nước, hãng Uber cũng như các hãng cung cấp dịch vụ gọi xe không thể hoạt động tại Hàn Quốc. Mâu thuẫn đã lên đỉnh điểm khi hãng Kakao thúc đẩy kinh doanh dịch vụ "đi chung xe" (tiếng Anh là “Car Pool”), cho phép mọi người có thể sử dụng xe cá nhân để chở người khác có chung điểm đến. Chỉ ba ngày sau khi hãng Kakao bắt đầu cung cấp thử dịch vụ “đi chung xe” vào ngày 7/12/2018, một tài xế taxi đã tự thiêu và để lại di chúc phản đối dịch vụ này. Kakao phải hoãn cung cấp dịch vụ “Car Pool” và tài xế xe taxi khác cũng đã tự sát để phản đối dịch vụ với lý do uy hiếp đến làm ăn kinh doanh của họ. Cuối cùng, hãng Kakao buộc phải tuyên bố không triển khai dịch vụ “đi chung xe”. Căng thẳng giữa Kakao và giới kinh doanh taxi một phần được trấn an khi Tổ chức đàm phán xã hội về dịch vụ "đi chung xe" có sự tham gia của các tổ chức của giới kinh doanh taxi, hãng Kakao, đảng cầm quyền và Chính phủ thành lập vào tháng 1 năm 2019. Mặc dù vẫn còn vụ một tài xế taxi tự thiêu trong thời gian diễn ra thảo luận, nhưng đối thoại giữa các bên đã có sự tiến triển và Chính phủ đã xây dựng dự thảo sửa đổi chế độ quản lý taxi. 


Cải cách phúc lợi cho tài xế taxi

Điểm đặc biệt của dự luật lần này là hợp pháp hóa kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ cũng như xóa bỏ chế độ tài xế taxi nộp khoản trích lại hàng ngày, và chế độ lương bổng theo tháng đối với tài xế taxi. Hiện tại, nguồn thu nhập của tài xế taxi là số tiền được kiếm hàng ngày trừ khoản trích lại cho công ty. Đây được cho là nguyên nhân những lái xe phải làm việc kiệt sức, từ chối hành khách đi quãng đường ngắn và chuộng đi quãng đường dài do có thể kiếm được cước phí cao. Việc các hãng cung cấp dịch vụ taxi công nghệ sẽ đẩy tài xế taxi vào tình hình tồi tệ hơn và đó chính là lý do gây sự phản đối mạnh mẽ của giới kinh doanh taxi. Như vậy, việc xóa bỏ chế độ tài xế taxi phải nộp khoản trích lại và áp dụng chế độ trả lương theo tháng có thể giúp cải tiến cả an sinh phúc lợi với tài xế taxi lẫn dịch vụ xe taxi. Mặt khác, tiền quyên góp mà các doanh nghiệp vận hành taxi công nghệ phải nộp có thể được hiểu là một loại chi phí để thâm nhập thị trường. Khoản tiền này sẽ giải quyết vấn đề cung ứng taxi đang dư thừa và thực hiện các chính sách phúc lợi cho tài xế taxi. Tức, phương hướng của dự luật sửa đổi là sao cho sự đổi mới và bảo vệ giới kinh doanh truyền thống có thể hài hòa cùng tồn tại.

Lựa chọn của ban biên tập