Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tổng thống Mỹ và ý đồ tăng mạnh khoản đóng góp chi phí quân sự của Hàn Quốc

2019-08-08

Tin tức

Tổng thống Mỹ và ý đồ tăng mạnh khoản đóng góp chi phí quân sự của Hàn Quốc

Trên trang Twitter cá nhân ngày 7/8 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump viết rằng Seoul đã nhất trí trả nhiều hơn chi phí cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, hai nước Hàn-Mỹ vẫn chưa bắt đầu đàm phán về vấn đề chia sẻ chi phí quân sự. Chưa hết, ông Trump còn nói rằng chi phí cho lực lượng đồn trù Mỹ là nhằm giúp Hàn Quốc phòng thủ trước sự khiêu khích từ Bắc Triều Tiên. Thế nhưng sự thật thì quân đồn trú tại Hàn Quốc đóng vai trò lớn trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm kìm hãm Trung Quốc.


 Phân tích ý đồ của Tổng thống Mỹ

Rốt cuộc, lập trường trên của ông Donald Trump được phân tích là mang ý đồ giúp Washington chiếm ưu thế trong vòng đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ thời gian tới. Ông Trump đang coi việc nâng khoản chi phí đóng góp của Hàn Quốc là một “thành quả” của bản thân, chuẩn bị cho việc chạy đua chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, đồng thời lái sự quan tâm của dư luận nước này sang một vấn đề khác, thoát ly khỏi hai vụ xả súng gây chấn động gần đây. Ngoài ra, phát ngôn trên trên còn mang tính chất hỗ trợ cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trước thềm cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo tại Seoul vào ngày 9/8.


Tổng thống Mỹ đã đơn giản hóa tối đa vấn đề chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ, kết luận rằng Washington đang là bên chịu tổn thất. Theo ông này, lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc là để giúp Seoul, nên chi phí cho lực lượng này đương nhiên phải do Hàn Quốc chi trả. Trong khi Hàn Quốc khá giầu có, song Mỹ phải chi ra một khoản tiền khổng lồ mà không thu lại được gì. Những phát biểu của Tổng thống Mỹ đã bác bỏ hoàn toàn bối cảnh lịch sử, ý nghĩa chiến lược, lợi ích của Mỹ, lịch sử quá trình chia sẻ chi phí quân sự giữa hai nước trong suốt thời gian qua. Hơn thế, nội dung bài viết trên Twitter của Tổng thống Mỹ làm như hai nước thực sự đã đạt được thỏa thuận về việc tăng mạnh khoản chi phí gánh vác của Hàn Quốc.


Trong bài viết, Tổng thống Trump không nêu cụ thể về yêu cầu mức đóng góp của Seoul. Tuy nhiên, nếu dựa theo chiến lược đàm phán đặc trưng của ông Trump từ trước tới nay, thì rất có thể Chính phủ Mỹ sẽ đưa ra yêu cầu ở mức phi lý. Một số hãng truyền thông đưa tin sau chuyến thăm Hàn Quốc của Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, Washington đã yêu cầu Seoul đóng góp 5 tỷ USD, gấp 6 lần quy mô gánh vác hiện nay của Hàn Quốc. Trên thực tế, Mỹ khó có thể đưa ra yêu cầu ở mức độ khó chấp nhận này. Tuy nhiên, vẫn có khả năng Washington sẽ yêu cầu tăng mạnh khoản đóng góp của Seoul so với hiện nay, ngoài sức tưởng tượng.


Vấn đề chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ

Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ quyết định về khoản chia sẻ chi phí quân sự cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc mỗi 5 năm một lần, áp dụng mức tăng dựa trên tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, Chính phủ Tổng thống Doanld Trump đã xóa bỏ tiền lệ này, yêu cầu mức tăng mạnh và rút ngắn thời hạn xuống một năm một lần. Mức gánh vác của Hàn Quốc trong năm 2019 đã tăng tới hơn 8%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát.


Mỹ không chỉ gây sức ép về việc tăng chia sẻ chi phí quân sự với Hàn Quốc, mà còn với tất cả các nước đồng minh của mình, như Nhật Bản và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tổng thống Trump đang coi việc tăng quy mô chia sẻ chi phí quân sự của NATO là một thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ của bản thân. Tương tự, rất có thể Tổng thống Mỹ cũng sẽ nâng mạnh khoản chia sẻ chi phí quân sự của Hàn Quốc, Nhật Bản, biến đây trở thành một “chiêu bài” quan trọng để giúp ông ta tái đắc cử. Nội dung bài viết trên Twitter của Tổng thống Mỹ đã một lần nữa thể hiện rõ ý đồ này. Dự kiến trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ sẽ còn tiếp tục gây sức ép với Hàn Quốc về vấn đề tăng chia sẻ chi phí quân sự.


Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định vẫn chưa bắt đầu đàm phán với Mỹ về nội dung chia sẻ chi phí quân sự. Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng trước của Cố vấn an ninh quốc gia Nhà trắng John Bolton, hai bên mới chỉ nhất trí về việc sẽ thảo luận vấn đề theo hướng “hợp lý và công bằng”. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là quá trình đàm phán sắp tới giữa hai bên sẽ đầy khó khăn.

Lựa chọn của ban biên tập