Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chiến lược kép đầy tham vọng của Bắc Triều Tiên

2019-08-12

Tin tức

Chiến lược kép đầy tham vọng của Bắc Triều Tiên

Sự chỉ trích gay gắt của Bắc Triều Tiên là chiến thuật điển hình

Như mọi khi, Bắc Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc về việc tiến hành cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ. Động thái này được cho là chiến thuật điển hình của miền Bắc, tức bất chấp có mâu thuẫn lớn về mặt logic, miền Bắc chỉ hợp pháp hóa mục đích của chính mình mà gác lại thông lệ, hay phớt lờ về lập trường của nước khác. Sở dĩ Bắc Triều Tiên có thể có thái độ như vậy là vì nước này duy trì chế độ độc tài và bị cộng đồng quốc tế cô lập. Mục tiêu của miền Bắc là thực hiện đối thoại trực tiếp với Mỹ nhằm đảm bảo sự sống còn của chế độ, đồng thời lạnh nhạt với Hàn Quốc để chiếm ưu thế trong cuộc đàm phán với miền Nam. 


Phi lý trong lập luận

Trước tiên, Bắc Triều Tiên sử dụng hình thức là một bài phỏng vấn của Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thực hiện. Hình thức phỏng vấn tạo điều kiện để Bình Nhưỡng sử dụng những lời thô tục, vì đối phương sẽ khó đưa ra phản ứng kịch liệt đối với phát ngôn của một quan chức ngoại giao cấp không cao. Mặc dù chỉ trích quyết liệt về cuộc tập trận chung của liên quân Hàn-Mỹ nhưng Bắc Triều Tiên không hề đề cập đến Mỹ, mà thể hiện quyết tâm thúc đẩy đối thoại một cách tích cực. Đây là một lập luận hết sức nghịch lý. Tuy nhiên, đó là một động thái thường xuất hiện khi miền Bắc đưa ra lập trường của mình. Do đó, Seoul và Washington nói riêng, các nước trên thế giới nói chung không có bất kỳ phản ứng nào về sự chỉ trích của Bình Nhưỡng.


Miền Bắc dùng chiến lược kép đối với Hàn Quốc và Mỹ

Chiến thuật của Bắc Triều Tiên có vẻ khá rõ ràng. Đó là “chiến lược kép”, vừa phóng tên lửa và chỉ trích quyết liệt Hàn Quốc, vừa gửi thư tay cho nhà lãnh đạo Mỹ. Hôm 10/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai nội dung thư nhận được từ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Trong thư, ông Kim bày tỏ hy vọng nối lại đàm phán với Washington, ngay sau khi cuộc tập trận quân sự chung của liên quân Hàn-Mỹ kết thúc. Trước đó, Tổng thống Mỹ không lấy làm vấn đề về các vụ khiêu khích phóng tên lửa Bắc Triều Tiên triền miên gần đây. Thậm chí, ông Trump còn nói cuộc tập trận chung liên quân Hàn-Mỹ là một hành động “lố bịch và tốn kém”. Lời phát biểu này của Tổng thống Mỹ được cho là hòng làm Hàn Quốc gia tăng đóng góp cho chi phí binh lính đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc, nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng lời phát biểu này gây hại cho quan hệ đồng minh giữa hai nước. Cũng có ý kiến khác chỉ trích rằng, Tổng thống Trump muốn cải thiện quan hệ Mỹ-Triều để nhận được sự ủng hộ của người dân và tái đắc cử Tổng thống. Theo đó, thông qua sự ủng hộ của ông Trump, Bình Nhưỡng đang tập trung công kích Seoul. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm vào tháng 6, Bình Nhưỡng đã 5 lần phóng tên lửa. Tuy nhiên, tầm bắn của các vụ phóng tên lửa đều không vươn tới lãnh thổ nước Mỹ. Do đó, Washington đưa ra phản ứng là vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên “không đe dọa” tới Mỹ. Như vậy, Bắc Triều Tiên có thể lấy cớ là vụ phóng tên lửa là cuộc diễn tập thông thường có mục đích tự vệ, đồng thời có thể đe dọa và gây sức ép lên Hàn Quốc một cách thuận lợi hơn.


Bình Nhưỡng muốn giành vị thế tương đương với Washington


Xét theo tổng thể, động thái của miền Bắc hướng tới là được công nhận là một quốc gia sở hữu hạt nhân. Nước này đề ra mục tiêu cao như vậy để được xếp ngang hàng với Mỹ, vượt ra khỏi Hàn Quốc nhằm mang lại lợi ích lớn hơn. Điều này có nghĩa là bất chấp Tổng thống Donald Trump tái đắc cử hay không, Bắc Triều Tiên phải đạt được mục tiêu giai đoạn đầu. Do đó, miền Bắc sẽ tiếp tục sử dụng hai chiến lược là chỉ trích quyết liệt Hàn Quốc đồng thời thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều. Tức quan hệ liên Triều sẽ đầy “thăng trầm” phụ thuộc vào sự tiến triển của cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập