Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đối phó với việc bị Nhật Bản xóa tên khỏi “Danh sách trắng”

2019-08-31

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/8, Nhật Bản chính thức thực thi “Sắc lệnh quản lý thương mại xuất khẩu” sửa đổi, có nội dung loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu. Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cùng ngày bày tỏ lấy làm tiếc sâu sắc về việc Tokyo liên tiếp thực hiện các biện pháp trả đũa kinh tế phi lý đối với Seoul, đồng thời kêu gọi Nhật Bản đối thoại, nhằm khôi phục quan hệ song phương, tránh để cho tình hình trở nên xấu hơn.

 

Hàn Quốc bị loại khỏi “Danh sách trắng”

Theo quy định mới, nếu doanh nghiệp Nhật Bản xuất khẩu các mặt hàng, dù là vật tư chiến lược phi nhạy cảm hay vật tư phi chiến lược, sang Hàn Quốc, nhưng nếu có lo ngại bị sử dụng vào chế tạo vũ khí, thì sẽ phải trình Chính phủ “cấp phép riêng biệt” với từng đơn hàng, thay vì được “cấp phép toàn diện” ba năm một lần như trước đây. Với nhóm vật tư chiến lược phi nhạy cảm, có tổng cộng 857 mặt hàng thuộc đối tượng áp dụng của quy chế mới, như vật liệu công nghệ cao, điện tử, máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị bảo mật, an ninh, thiết bị hàng hải, hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, nếu bao gồm cả các mặt hàng vật tư phi chiến lược, thì trên thực tế, quy định mới này có thể điều chỉnh với hầu hết toàn bộ các ngành công nghiệp, chỉ ngoại trừ ngành thực phẩm và đồ gỗ.

 

Trước đây, khi Hàn Quốc còn nằm trong “Danh sách trắng”, các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ cần đệ trình Chính phủ nước này cấp phép một lần là có thể tự do xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng tương ứng trong vòng ba năm. Tuy nhiên, giờ đây các doanh nghiệp Nhật sẽ phải xin cấp phép với từng đơn hàng xuất khẩu riêng biệt trong thời hạn là 6 tháng, quy trình cũng trở nên nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, Tokyo vẫn duy trì chế độ “cấp phép toàn diện đặc biệt” trong vòng ba năm đối với doanh nghiệp được Chính phủ cấp chứng nhận tham gia "Chương trình tuân thủ quốc tế” về quản lý xuất khẩu. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu từ những doanh nghiệp Nhật Bản được cấp chứng nhận này thì sẽ có thể tránh được quy định mới của Tokyo. Chính phủ Hàn Quốc phân tích có 159 mặt hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi quy chế mới. Đó là vì đã có một số mặt hàng được áp dụng “cấp phép riêng biệt” từ trước đó, hoặc những mặt hàng chỉ nhập số lượng nhỏ từ Nhật Bản và có thể tìm nguồn nhập khẩu thay thế từ nước khác.

 

Viện quản lý vật tư chiến lược Hàn Quốc đã đăng tải trên trang chủ danh sách các doanh nghiệp Nhật Bản được cấp chứng nhận tham gia "Chương trình tuân thủ quốc tế” về quản lý xuất khẩu, hướng dẫn cụ thể về những hồ sơ cần thiết. Cơ quan này nhấn mạnh các doanh nghiệp trong nước cần có sự chuẩn bị thích hợp, để có thể đưa ra câu trả lời chính xác khi doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản yêu cầu cung cấp thông tin liên quan tới mặt hàng, giao dịch.

 

Đối phó của Chính phủ

Trong ngày 28/8, Chính phủ, đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành, Phủ Tổng thống đã nhóm họp để thảo luận đối sách liên quan tới việc Nhật Bản chính thức loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng”. Đồng thời, Chính phủ cũng tổ chức Hội nghị Bộ trưởng mở rộng về đối phó với quy chế xuất khẩu của Tokyo dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lee Nak-yon.

 

Thủ tướng Lee khẳng định Chính phủ quyết tâm bồi dưỡng ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện, trang thiết bị, bất kể Nhật Bản có chuyển biến thái độ hay không. Trong vòng ba năm tới, Chính phủ sẽ đầu tư 5.000 tỷ won (4,1 tỷ USD) vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ trọng tâm ở những lĩnh vực này. Song song với đó, Chính phủ sẽ đơn giản hóa về quy trình nghiên cứu khả thi, khởi động cơ chế hợp tác nghiên cứu giữa doanh nghiệp và các trường đại học, nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu và phát triển.

 

Tại hội nghị, Chính phủ đã công bố "Chiến lược đầu tư nghiên cứu phát triển và đối sách đổi mới lĩnh vực vật liệu, linh kiện, trang thiết bị". Các nội dung chính là mở rộng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đối với hơn 100 mặt hàng trọng tâm, bắt đầu rót 1.000 tỷ won (khoảng 830 triệu USD) ngay trong năm nay, và tổng cộng 5.000 tỷ won (4,1 tỷ USD) trong giai đoạn 2020-2022. Đối với các dự án liên quan tới những mặt hàng trọng tâm cần đối phó ngay lập tức, sẽ có sự điều chỉnh về quy trình nghiên cứu khả thi, thay thế khâu đánh giá tính kinh tế bằng đánh giá hiệu quả chi phí.

 

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa công bố danh mục cụ thể các mặt hàng trọng tâm nói trên. Điều này được phân tích là nhằm tránh rò rỉ thông tin đến Nhật Bản. Trước đó, vào ngày 5/8, Chính phủ từng công bố “Đối sách nâng cao sức cạnh tranh ngành vật liệu, linh kiện, trang thiết bị”, trong đó chọn ra những công nghệ liên quan đến 6 lĩnh vực là chíp bán dẫn, màn hình, ô tô, điện-điện tử, máy móc, kim loại.

Lựa chọn của ban biên tập