Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tín hiệu hồi sinh của ngành đóng tàu Hàn Quốc 

2019-09-09

Tin tức

Tín hiệu hồi sinh của ngành đóng tàu Hàn Quốc 

Sự phục hồi của ngành đóng tàu trong nước

Ngành đóng tàu Hàn Quốc đang thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài 10 năm qua. Kể từ tháng 5 năm nay, Hàn Quốc đã đứng đầu thế giới về lượng đơn đặt hàng. Đặc biệt, tổng giá trị đơn hàng của các doanh nghiệp đóng tàu trong nước từ tháng 1 tới tháng 8 năm nay luôn đứng đầu thế giới. Nguyên nhân chính khiến ngành đóng tàu Hàn Quốc khôi phục vị trí số một toàn cầu là nhờ vào sức cạnh tranh về khả năng đóng loại tàu có giá trị gia tăng cao. Tức là các doanh nghiệp trong nước giữ lợi thế đóng tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và tàu chở dầu thô cỡ lớn (VLCC). Trên thực tế, trong 8 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc đã trúng thầu 24 trên 27 đơn hàng đóng tàu vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng và 10 trên 17 đơn hàng đóng tàu chở dầu thô cỡ lớn trên thế giới. Nếu trừ trường hợp Trung Quốc và Nhật Bản trúng thầu đơn hàng trong nước, thì có thể nói Hàn Quốc đã độc chiếm các đơn đặt hàng đóng tàu trên thị trường toàn cầu. Như vậy, tổng số đơn hàng của các doanh nghiệp đóng tàu trong nước đạt 6,76 triệu tấn tổng hợp bù (CGT) từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số đơn hàng đóng tàu đã tụt xuống còn 7,72 triệu tấn tổng hợp bù (CGT) vào năm ngoái, mức thấp nhất từ trước tới nay do số đơn hàng giảm mạnh. Tuy nhiên, đơn hàng nhận được từ năm 2017 đến năm 2018 đã tăng, khiến số tàu đóng hàng tháng cũng tăng theo, dẫn đến phục hồi tuyển dụng. Số tuyển dụng của ngành đóng tàu trong tháng 8 năm ngoái là 105.000 người, ở mức thấp nhất trong lịch sử ngành này và đã lên thành 110.000 người trong tháng 8 năm nay.


Kết quả xúc tiến tái cơ cấu và phục hồi thị trường đóng tàu thế giới

Ngành đóng tàu Hàn Quốc đang phục hồi nhờ việc bản thân nhu cầu tàu biển thế giới tăng và các doanh nghiệp đóng tàu trong nước tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu. Ngành đóng tàu đã chiếm vị trí số một thế giới áp đảo cho đến giữa những năm 2000, đóng góp lớn cho xuất khẩu Hàn Quốc. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 dẫn đến suy thoái ngành đóng tàu, đã khiến đơn giá tàu biển giảm tới 40%. Thêm vào đó là sự tấn công ồ ạt của tàu Trung Quốc giá rẻ. Cuối cùng, Hàn Quốc buộc phải nhường vị trí số một thế giới cho Trung Quốc về tổng giá trị đơn hàng trúng thầu vào năm 2011, đứng trước nguy cơ nghiêm trọng. Hơn nữa, đợt khủng hoảng giá dầu năm 2014 khiến ngành sản xuất thiết bị thăm dò dầu khí Hàn Quốc chịu thiệt hại lớn. Rốt cuộc, Chính phủ Hàn Quốc phải dẫn dắt, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành đóng tàu trong nước từ năm 2015. Một số doanh nghiệp bị đóng cửa và Công ty đóng tàu và hải dương Seongdong, Công ty đóng tàu và hải dương STX đã bị Tòa án kiểm soát do không thể cải thiện tình hình kinh doanh. Công ty công nghiệp nặng Hyundai và Công ty công nghiệp nặng Samsung đã cắt giảm nhân lực với quy mô lớn để tự giải cứu, trong khi Chính phủ đã huy động nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ won (8,3 tỷ USD) cho Công ty đóng tàu và hải dương Daewoo để giúp công ty này không bị phá sản. 


Triển vọng sáng sủa ngành đóng tàu

Xét theo việc ngành đóng tàu Hàn Quốc khôi phục xu hướng tăng từ quý I năm nay và triển vọng trúng thầu sáng sủa, ngành này sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong tương lai. Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc cho biết, các doanh nghiệp trong nước dự kiến sẽ giành được hợp đồng đóng tàu lớn của Nga, Qatar và Mozambique. Điều này không chỉ kích thích lĩnh vực tàu thủy nói chung, các khu vực có nhà máy nói riêng, mà còn tạo thêm việc làm mới. Như vậy, sự khôi phục của ngành đóng tàu có thể giúp nền kinh tế Hàn Quốc thoát khỏi tình trạng đình trệ và tăng cường sức sống. 

Lựa chọn của ban biên tập