Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên bất ngờ đề xuất đàm phán với Mỹ

2019-09-10

Tin tức

Bắc Triều Tiên bất ngờ đề xuất đàm phán với Mỹ

Bắc Triều Tiên bất ngờ đề xuất đàm phán với Mỹ 


Bình Nhưỡng đề nghị khôi phục đối thoại với Washington

Bắc Triều Tiên liên tiếp khiêu khích tên lửa, trong khi lại để ngỏ khả năng khôi phục đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ. Động thái này được hiểu là miền Bắc không ngừng gây sức ép lên các bên cho đến khi đạt được mục đích, cho vừa đề nghị tiến hành đối thoại. Sau khi Mỹ gửi thông điệp có nội dung Washington sẽ đảm bảo sự sống còn của chế độ Bắc Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Son-hui hôm 9/9 phát biểu rằng Bình Nhưỡng muốn tổ chức đối thoại với Washington vào khoảng cuối tháng 9 này. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng Washington không tìm cách thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng, trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 6/9 phát biểu mỗi quốc gia đều có quyền tự vệ và nếu Bắc Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa thì Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho nước này. Cùng ngày, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cũng gửi đi một thông điệp tương tự. Đặc phái viên Biegun nhắc lại tầm nhìn về “Tương lai tươi sáng” khi miền Bắc thực hiện phi hạt nhân hóa, trong đó có việc phát triển kinh tế và được đảm bảo an ninh. Mặt khác, Đặc phái viên Mỹ cũng để ngỏ khả năng Washington sẽ xem xét lại việc cắt giảm quân đồn trú tại Hàn Quốc, nhưng cũng đề cập đến khả năng một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tự trang bị vũ khí hạt nhân nếu đàm phán phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên thất bại. Như vậy, phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc được cho là nhằm phản ứng lại các thông điệp của Mỹ. Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Choe đề nghị đối thoại với Washington vào cuối tháng 9, đồng thời nhấn mạnh Mỹ cần phải có “cách tính toán mới”. Các thông điệp mà hai bên gửi cho nhau tạo ra bầu không khí hiểu biết lẫn nhau, song vẫn khó dự đoán hai bên đã thực sự thu hẹp được bất đồng ý kiến.


Mỹ tỏ thái độ thận trọng

Liên quan đến việc này, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra phản ứng thận trọng, cho biết trong thời điểm hiện tại vẫn chưa có kế hoạch tổ chức cuộc gặp với Bắc Triều Tiên. Theo đó, các chuyên gia phân tích Washington và Bình Nhưỡng tìm ra đầu mối để nối lại đối thoại, nhưng hai bên vẫn "đấu trí" trước thềm thực hiện đàm phán. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng “có cuộc gặp gỡ là việc tốt” và đưa ra phản ứng tích cực. Như vậy, có nhiều khả năng Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ khôi phục đàm phán chấp chuyên viên. Kịch bản có khả năng nhất là hai bên thực hiện đàm phán cấp chuyên viên tại New York (Mỹ), bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc. Sau khi tổ chức cuộc đàm phán đó, Washington và Bình Nhưỡng có thể thúc đẩy cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng. Trước đó, miền Bắc cho biết Ngoại trưởng Ri Yong-ho sẽ không tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhưng một số ý kiến cho rằng dù thời gian eo hẹp, Bắc Triều Tiên và Mỹ vẫn có thể tổ chức cuộc hội đàm cấp cao bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, và nếu hai bên đạt được tiến triển thì có khả năng tổ chức cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba trong năm nay.


Miền Bắc vừa khiêu khích tên lửa vừa đề nghị đàm phán

Mặt khác, sáng 10/9, Bắc Triều Tiên đã phóng hai vũ khí chưa xác định từ khu vực tỉnh Nam Pyongan về vùng biển phía Đông. Vụ phóng mới nhất diễn ra 17 ngày sau vụ bắn thử nghiệm "pháo phản lực siêu lớn" vào ngày 24/8 và đây cũng là vụ khiêu khích vũ khí lần thứ 10 của miền Bắc trong năm nay. Kể từ đầu năm, Bình Nhưỡng đã ít nhất 5 lần tiến hành phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander phiên bản Bắc Triều Tiên KN-23. Cùng với đó, miền Bắc hai lần phóng vũ khí gọi là “pháo phản lực cỡ nòng lớn kiểu mới” vào ngày 31/7 và ngày 2/8. Như vậy, Bắc Triều Tiên có động thái vừa đề nghị đối thoại, vừa có hành động khiêu khích, khiến dư luận đang dồn sự quan tâm đến mục đích của miền Bắc. Đặc điểm chung trong các vụ khiêu khích tên lửa của Bắc Triều Tiên trong năm nay là tên lửa tầm ngắn, khiêu khích ở mức độ vừa phải. Về vấn đề này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đề cập đến “quyền tự vệ”, viện cớ Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa và có hành động khiêu khích. Như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng thông qua các vụ phóng tên lửa, Bình Nhưỡng muốn nhấn mạnh quyền tự vệ và đảm bảo an ninh của chế độ.

Lựa chọn của ban biên tập