Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tổng thống Mỹ sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Bolton

2019-09-14

Tin tức

ⓒYONHAP News 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/9 (giờ địa phương) tuyên bố đã sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton với lý do có sự xung đột sâu sắc về các vấn đề nổi cộm giữa hai bên. Ông Bolton vốn được biết đến là một nhân vật “diều hâu” tiêu biểu, theo đuổi đường lối “siêu cứng rắn” với Bắc Triều Tiên. Việc Tổng thống Trump loại bỏ ông này dự kiến sẽ dẫn tới những thay đổi không nhỏ trong đối thoại Mỹ-Triều, cũng như tình hình bán đảo Hàn Quốc.


Sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Bolton

Trên trang Twitter cá nhân cùng ngày, Tổng thống Trump viết rằng Nhà Trắng giờ đây không còn cần tới Cố vấn Bolton. Giữa ông và ông Bolton có sự khác biệt ý kiến sâu sắc trong nhiều vấn đề.


Ông Bolton “gia nhập” Nhà Trắng vào ngày 22/3 năm ngoái. Như vậy, nhân vật theo đường lối đối ngoại cứng rắn này đã phải dừng chân sau khoảng một năm rưỡi đóng vai trò Cố vấn an ninh quốc gia. Trong thời gian qua, Nhà Trắng và Chính phủ Mỹ nhiều lần thể hiện sự bất đồng ý kiến trong các vấn đề ngoại giao nổi cộm, dẫn tới nhiều lời đồn thổi về việc Tổng thống Mỹ sẽ sớm tìm người thay thế ông Bolton.


Tổng thống Trump không nói rõ cụ thể lý do dẫn đến quyết định bãi nhiệm Cố vấn an ninh quốc gia. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ đề cập tới sự bất đồng ý kiến giữa hai người trong các vấn đề liên quan tới Afghanistan, I-ran, Venezuela và Bắc Triều Tiên. Tờ Thời báo New York đưa tin: quan hệ giữa Tổng thống Trump và Cố vấn Bolton gần đây ngày càng trở nên căng thẳng hơn, do vấn đề I-ran và Bắc Triều Tiên. Ông Bolton chủ trương tấn công I-ran, nhiều lần công khai chỉ trích việc Bình Nhưỡng liên tiếp phóng tên lửa tầm ngắn. Đặc biệt, tờ báo nhắc tới việc Cố vấn an ninh quốc gia từng quyết định không tháp tùng Tổng thống Mỹ trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm hồi cuối tháng 6, mà vẫn thăm Mông Cổ theo đúng kế hoạch.


Mặt khác, vào ngày 11/9, khi trả lời phỏng vấn của báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump phát biểu việc Cố vấn Bolton đề cập tới "mô hình Li-bi" trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, là một sai lầm lớn. Trước đó, ông Bolton từng đề xuất phi hạt nhân hóa miền Bắc theo “mô hình Li-bi”, với nội dung từ bỏ hạt nhân trước để đổi lấy sự bù đắp sau. Tổng thống Mỹ nêu rõ, việc ông Bolton nhắc tới "mô hình Li-bi" với Chủ tịch Kim Jong-un là không cần thiết, gây trở ngại cho đối thoại giữa hai nước. 


Cựu Cố vấn John Bolton

Ông Bolton là một nhân vật thuộc phái “diều hâu” tiêu biểu trong bộ máy Chính phủ Tổng thống Donald Trump, đại diện cho đường lối cứng rắn với Bắc Triều Tiên, thường xuyên xung đột lập trường với Ngoại trưởng Mike Pompeo. Vào tháng 5 vừa qua, trong chuyến thăm Nhật Bản, ông này quy kết việc Bắc Triều Tiên phóng vũ khí là vi phạm nghị quyết cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trái ngược hẳn với lập trường của Tổng thống Trump. Tương tự như việc theo đuổi thay thế chính quyền I-ran, Cố vấn Bolton chủ trương “tấn công phủ đầu” đối với miền Bắc. Chính vì thế mà Bình Nhưỡng thường xuyên chỉ trích ông Bolton là một “kẻ điên hiếu chiến” hay “Cố vấn phá hoại an ninh”.


Thay đổi về đường lối chính sách với Bắc Triều Tiên

Sau sự rút lui của ông Bolton, dư luận đang hướng sự chú ý tới những thay đổi trong toàn bộ chính sách ngoại giao của Chính phủ Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là đường lối với miền Bắc. Quyết định bãi nhiệm Cố vấn an ninh quốc gia được đưa ra đúng một ngày sau khi Bắc Triều Tiên công bố đề xuất khôi phục đối thoại cấp chuyên viên Mỹ-Triều, khiến không ít ý kiến nghi ngờ việc loại bỏ ông Bolton là câu trả lời của Tổng thống Trump.


Một số ý kiến nhận định giờ đây, “quả cân” chính sách Bắc Triều Tiên sẽ nghiêng về phía Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng trên thực tế, ông Bolton đã bị loại khỏi hệ thống ra quyết định về các chính sách với Bình Nhưỡng từ trước, nên việc ông này rời khỏi Nhà Trắng cũng không gây ra sự thay đổi nào đặc biệt. Về điều này, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đang hết sức lưu tâm về ảnh hưởng từ sự ra đi của ông Bolton tới tình hình bán đảo Hàn Quốc, trong đó có tiến trình đàm phán Mỹ-Triều. Mặc dù Seoul kiềm chế đưa ra phản ứng chính thức, nhưng đằng sau lại ngầm thể hiện sự kỳ vọng rằng sự rút lui của một nhân vật “diều hâu” sẽ là cơ hội để đẩy cao tốc độ đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều.


 

Lựa chọn của ban biên tập