Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tranh cãi xoay quanh Húc Nhật Kỳ của Nhật Bản

2019-09-14

Tin tức

ⓒYONHAP News 

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc ngày 11/9 cho biết đã gửi thư dưới danh nghĩa Bộ trưởng lên Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach, chỉ rõ sự vô lý của Nhật Bản khi cho phép sử dụng Húc Nhật Kỳ tại Thế vận hội và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Tokyo 2020, đề nghị IOC cấm Tokyo sử dụng lá cờ này.


Lập trường của Chính phủ Hàn Quốc

Trong thư, Hàn Quốc nêu rõ Húc Nhật Kỳ từng là lá cờ của quân đội Nhật Bản, sử dụng trong các cuộc chiến tranh xâm lược châu Á, trong đó có chiến tranh thế giới lần thứ II, từ cuối thế kỷ XIX. Hiện nay, lá cờ này vẫn đang tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong các cuộc biểu tình của các tổ chức cực hữu tại Nhật Bản, thể hiện sự phân biệt đối xử, hiềm khích với người nước ngoài. Bức thư chỉ ra rằng Húc Nhật Kỳ rõ ràng là một biểu tượng mang tính chính trị, gợi lên những vết thương và nỗi đau lịch sử đối với các quốc gia châu Á, như Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, những nơi từng bị đế quốc Nhật Bản xâm lược trong quá khứ. Húc Nhật Kỳ có ý nghĩa tương tự với “chữ Vạn”  ("Hakenkreuz" trong tiếng Đức, còn gọi là Chữ thập ngoặc), biểu tượng của Phát xít Đức, gợi lên cơn ác mộng về Thế chiến II đối với người dân châu Âu. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) hiện đang cấm sử dụng Húc Nhật Kỳ. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc nhấn mạnh việc Ban tổ chức Olympic Tokyo cho phép sử dụng Húc Nhật Kỳ là vi phạm toàn diện tinh thần và giá trị Thế vận hội, đó là tăng cường hòa bình thế giới và tình yêu nhân loại. Hàn Quốc đề nghị Ủy ban Olympic quốc tế đóng vai trò tích cực, yêu cầu Nhật Bản rút lại lập trường về Húc Nhật Kỳ, lập đối sách thiết thực để không cho phép mang Húc Nhật Kỳ vào các địa điểm thi đấu của Olympic Tokyo.


Tranh cãi

Báo Sankei của Nhật Bản ngày 4/9 vừa qua đưa tin Ban tổ chức Thế vận hội và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Tokyo 2020 chủ trương không cấm đưa Húc Nhật Kỳ vào các địa điểm thi đấu. Ban tổ chức giải thích rằng Húc Nhật Kỳ hiện đang được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản, nên việc treo lá cờ này không mang tính chất là một tuyên ngôn chính trị. Có nghĩa rằng Ban tổ chức Thế vận hội Tokyo sẽ vẫn cho phép sử dụng Húc Nhật Kỳ, bất chấp sự phản đối và lo ngại của Hàn Quốc.


Trước đó, Ủy ban văn hóa, thể thao và du lịch thuộc Quốc hội ngày 29/8 đã hối thúc Nhật Bản cấm cho phép mang Húc Nhật Kỳ, hoặc những vật phẩm, trang phục có sử dụng lá cờ này, vào các địa điểm thi đấu trong thời gian diễn ra Thế vận hội Tokyo 2020. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 3/9 vừa qua nhấn mạnh Húc Nhật Kỳ vốn là lá cờ được các quốc gia láng giềng của Nhật Bản coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt và đế quốc Nhật, đề nghị Tokyo xem xét lại.


Tranh cãi về Húc Nhật Kỳ còn lan sang cả huy chương Thế vận hội dành cho người khuyết tật Tokyo năm sau. Đó là bởi thiết kế hoa văn trên chiếc huy chương chính thức sẽ trao cho các vận động viên, gợi sự liên tưởng tới Húc Nhật Kỳ. Ủy ban thể thao người khuyết tật Hàn Quốc đã kháng nghị lên Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC), yêu cầu Nhật Bản thiết kế lại huy chương, bởi thiết kế hiện có vi phạm điều khoản về cấm thể hiện quan điểm chính trị của IPC.


Húc Nhật Kỳ

Húc Nhật Kỳ được coi là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt, đế quốc Nhật Bản, được sử dụng trong Thế chiến II. Không chỉ riêng tranh cãi xoay quanh lá cờ này, các thế lực cánh hữu của Nhật Bản gần đây đang có chiều hướng “tưởng nhớ” chủ nghĩa quân phiệt. Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe lại theo đuổi việc đưa Nhật Bản trở thành một “quốc gia chuẩn tắc”, xúc tiến sửa đổi Hiến pháp để có thể phát động chiến tranh. Trong thời gian qua, Tokyo hoàn toàn không thừa nhận về lịch sử xâm lược, các vấn đề quá khứ, ngược lại còn liên tiếp có các hành vi trả đũa kinh tế với Seoul, đẩy quan hệ Hàn-Nhật vào cục diện tồi tệ nhất. Do đó, Hàn Quốc tuyệt đối không thể chấp nhận việc Húc Nhật Kỳ được giương cao trước toàn thể người dân thế giới tại Olympic và Paralympic Tokyo năm sau.

Lựa chọn của ban biên tập