Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc nỗ lực ngăn chặn kế hoạch xả thải nước nhiễm xạ của Nhật Bản

2019-09-17

Tin tức

Hàn Quốc nỗ lực ngăn chặn kế hoạch xả thải nước nhiễm xạ của Nhật Bản

Nước nhiễm xạ do sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Nước nhiễm xạ Fukushima là nước để làm lạnh các đường ống của nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima (Nhật Bản) bị nhiễm phóng xạ khi xảy ra động đất vào năm 2011. Trận động đất và sóng thần xảy ra ngày 11/3/2011 đã phá hủy các lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima. Khi đó, toàn bộ nhà máy Fukushima bị chìm sâu 4 đến 5m trong nước biển, khiến nguồn điện bị mất, dẫn đến ngừng hệ thống làm mát và do đó, nguyên liệu hạt nhân bị nóng chảy. Cùng với đó, vụ nổ khi Hydro đã phá hủy vách ngăn của lò phản ứng, khiến nhiều chất phóng xạ bị rò rỉ. Khi xảy ra sự cố, Chính phủ Nhật Bản không chỉ sử dụng nước làm mát, mà bơm cả nước biển để làm nguội nguyên liệu hạt nhân trong nhà máy điện. Được biết, lượng nước nhiễm xạ mỗi ngày tăng thêm 170 tấn và đã lên tới hơn 1,15 triệu tấn cho đến cuối tháng 7 năm nay. Hiện tại, Nhật Bản cho nước nhiễm xạ vào các bể chứa và lưu trữ trong khu vực nhà máy Fukushima, vì chưa có cách xử lý thích hợp và chi phí rất cao.


Hé lộ kế hoạch xả thải nước nhiễm xạ ra biển của Nhật Bản

Kế hoạch xả thải nước nhiễm xạ vào đại dương đã được hé lộ bởi một quan chức của tổ chức môi trường quốc tế “Hòa bình xanh” (Greenpeace). Chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử Shaun Burnie thuộc Văn phòng Đức của tổ chức này đã gửi bài viết cho tạp chí “The Economist” (Anh) cho biết, Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy kế hoạch xả thải hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ ở mức độ cao, ra Thái Bình Dương. Nếu kế hoạch này được thực hiện, nước nhiễm xạ sẽ lan rộng ra toàn thế giới theo dòng hải lưu và đặc biệt Hàn Quốc khó tránh khỏi nguy cơ tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Trong cuộc họp báo tại Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 14/8, chuyên gia trên nhấn mạnh Seoul cần phải đưa vấn đề này ra cộng đồng quốc tế thảo luận nghiêm túc.


Luật quốc tế cấm xả chất nhiễm xạ xuống biển

Quốc tế có những căn cứ pháp lý để ngăn chặn việc các nước thành viên xả nước nhiễm phóng xạ ra biển. Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) yêu cầu các nước thành viên đưa ra biện pháp ngăn chặn, làm giảm và kiểm soát ô nhiễm biển. Công ước và Nghị quyết London cũng nêu rõ nghĩa vụ cấm xả chất thải xuống biển. Đặc biệt, Công ước London quy định rằng một quốc gia xả chất thải xuống biển và khiến nước khác chịu thiệt hại về môi trường, thì nước xả thải phải chịu trách nhiệm. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng yêu cầu các nước sử dụng năng lượng nguyên tử một cách hòa bình và an toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, mặc dù có những quy định của IAEA và các luật quốc tế, song cộng đồng quốc tế khó đưa ra biện pháp thực tiễn để ngăn chặn kế hoạch xả nước ô nhiễm của Nhật Bản. Theo quy định, nếu nước thành viên IAEA muốn xả nước nhiễm xạ ra biển thì phải báo cáo lên cơ quan này. Lúc đó, các nước có thể tự quyết định mức chuẩn cho phép xả nước ra biển. Hàn Quốc có tiêu chuẩn nước nhiễm xạ tritium nồng độ 40.000 bq/lít (Becquerel, đơn vị đo cường độ phóng xạ), trong khi tiêu chuẩn của Nhật Bản là 60.000 bq/lít. Được biết, nồng độ nước nhiễm xạ Fukushima là 120.000 bq/lít, gấp hai lần so với tiêu chuẩn của Tokyo. Vấn đề hiện nay là mặc dù có nguyên tắc về cấm gây ô nhiễm biển, nhưng không có quy định cụ thể nào. Ví dụ, Nhật Bản có thể khẳng định việc xả thải nước nhiễm xạ ra biển không gây hại cho một quốc gia nhất định, cũng như có thể lập luộn rằng buộc phải thải ra biển và pha loãng lượng nước nhiễm xạ vì số lượng quá nhiều. Hơn nữa, Hàn Quốc khó xác minh hành vi trái phép của Nhật Bản, trong khi việc chứng minh thiệt hại một cách cụ thể cũng không dễ dàng.


Hàn Quốc xúc tiến ngăn chặn hành động gây ô nhiễm môi trường biển trầm trọng

Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc cho rằng thông qua Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, vấn đề có thể được cộng đồng quốc tế quan tâm. Nếu các nước trên thế giới đưa ra ý kiến chung về phản đối kế hoạch xả thải nước nhiễm xạ ra biển, thì Nhật Bản cũng không dễ dàng thúc đẩy việc này. Như vậy, Seoul phải tập trung vào việc vấn động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời thu thập những tài liệu và bằng chứng khoa học để ngăn chặn Tokyo gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.

Lựa chọn của ban biên tập