Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại Hàn Quốc 

2019-09-18

Tin tức

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại Hàn Quốc 

Phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại hai trang trại ở tỉnh Gyeonggi

Hôm 17/9, Hàn Quốc lần đầu tiên xác nhận trang trại lợn ở thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi (ASF). Sau đó một ngày, trang trại thứ hai ở huyện Yeoncheon cũng thuộc tỉnh Gyeonggi, nằm cách khoảng 50 km từ trang trại phát bệnh thứ nhất cũng được xác nhận nhiễm dịch.


Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm thế nào?

Dịch tả lợn châu Phi là một loại bệnh truyền nhiễm ở lợn có tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Vì thế, dịch bệnh này được gọi là “Dịch hạch của lợn”. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa cũng như thuốc chữa đặc trị, nên cách ngăn chặn duy nhất chỉ là thực hiện phòng dịch một cách kỹ lưỡng hơn. Dịch này không bị lây nhiễm qua không khí và không bị lây nhiễm sang người. Đúng như tên gọi của nó, dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya (châu Phi) vào năm 1921. Dịch bệnh đã lây lan tại Tây Âu vào những năm 1960 rồi bị tiêu diệt vào giữa những năm 1990. Dịch tả lợn châu Phi lây lan sang châu Á lần này xuất phát từ các nước Đông Âu. Sau lần đầu phát hiện tại tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) vào mùa hè năm ngoái, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra toàn Trung Quốc bao gồm Hồng Kông và tiếp tục lây truyền sang Mông Cổ, Bắc Triều Tiên và các nước Đông Nam Á.


Trung Quốc là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát ở châu Á

Một số chuyên gia phân tích, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra các nước châu Á là do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Để đáp trả việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu mạnh lên các hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã hoàn toàn ngừng nhập khẩu thịt lợn từ Washington và thay vào đó, nhập khẩu 240.000 tấn thịt lợn từ Nga vào năm ngoái. Khi đó, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan tại các nước Đông Âu như Ukraine, Rumania, Ba Lan, Hungari cũng như Nga. Được biết, Trung Quốc đã nhận thức được nguy cơ dịch bệnh này bùng phát ở Nga, nhưng vẫn kiên quyết nhập khẩu thịt lợn từ Mát-xcơ-va xem xét đến quan hệ Trung-Nga.


Có khả năng dịch bệnh lan truyền từ Bắc Triều Tiên sang Hàn Quốc

Dịch tả lợn châu Phi phát hiện tại Hàn Quốc nhiều khả năng bị lây từ Bắc Triều Tiên. Vào cuối tháng 5 vừa qua, Cơ quan phòng dịch Hàn Quốc đã nâng cao cảnh giác khi nhận được thông tin cho rằng bùng phát dịch tả lợn châu Phi ở miền Bắc. Tuy nhiên, do không có giao thương giữa hai miền Nam-Bắc và con đường di cư của các loài động vật hoang dã cũng bị chặn lại nên dự đoán rằng khả năng lan truyền là không cao. Tuy nhiên, Chính phủ không tránh được sự chỉ trích khi giờ đây có hai trang trại bị nhiễm dịch bệnh này. Trong thời gian gần đây, một cơn bão lớn đã quét qua bán đảo Hàn Quốc, đặc biệt là khu vực phía Tây Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên trong đó tỉnh Hwanghae (miền Bắc) chịu ảnh hưởng lớn. Trang trại bị nhiễm dịch đầu tiên ở Hàn Quốc nằm ở khu vực biên giới tiếp giáp với Bắc Triều Tiên chỉ cách con sông. Do đó, có nhiều khả năng lợn rừng hoặc chất gây nhiễm dịch tả lợn châu Phi đã phù du theo sông, chảy xuống phía Nam.


Đối phó khẩn cấp kiềm chế dịch bệnh

Sau khi được xét nghiệm dương tính, cơ quan chức năng đã tiêu hủy, chôn lấp khoảng 4.000 con lợn của trang trại ở thành phố Paju và ra lệnh cấm vận chuyển gia súc, vật nuôi trong vòng 48 tiếng. Cùng với đó, Chính phủ kiểm soát việc ra vào trang trại phát bệnh và thực hiện các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, việc thêm một trang trại nữa trong nước bị kết luận nhiễm dịch tả lợn châu Phi và trang trại này ở huyện Yeoncheon, cũng là một khu vực giáp Bắc Triều Tiên, cho thấy khả năng bệnh truyền nhiễm này đã lan sang từ miền Bắc là rất cao. Như vậy, biện pháp cần thiết nhất hiện tại là làm sao dịch bệnh tả lợn châu Phi không lan truyền tiếp sang phía Nam. Trường hợp của Trung Quốc phải chôn lấp 100 triệu con lợn, khiến giá thịt lợn tăng khoảng 50%. Tổng đàn lợn nuôi của Hàn Quốc hiện khoảng 12 triệu con.


Lựa chọn của ban biên tập