Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Xem xét phương án tiếp tục tuyển dụng người lao động cao tuổi

2019-09-21

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét áp dụng “chế độ tiếp tục tuyển dụng”, quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ tiếp tục tuyển dụng người lao động cho tới một độ tuổi nhất định, sau khi đã qua tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi. Trên thực tế, chế độ này mang lại hiệu quả tương tự như việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu, nếu được đưa vào áp dụng, dự kiến sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội Hàn Quốc.

 

Phương án thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng người cao tuổi

Nhóm chuyên trách về chính sách dân số có sự tham gia của các ban ngành hữu quan Chính phủ, ngày 18/9 đã tổ chức “Hội nghị đối sách thúc đẩy kinh tế”, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Hong Nam-ki, công bố phương án thúc đẩy tuyển dụng và tái tuyển dụng người cao tuổi.

 

Trước tiên, Chính phủ sẽ xem xét áp dụng “chế độ tiếp tục tuyển dụng” tương tự như Nhật Bản. Theo chế độ này, doanh nghiệp có trách nhiệm tuyển dụng tiếp người lao động sau 60 tuổi, song có thể lựa chọn nhiều phương thức đa dạng, như tái tuyển dụng, kéo dài độ tuổi nghỉ hưu, hay xóa bỏ độ tuổi nghỉ hưu.

 

Bộ Kế hoạch và tài chính cho biết sẽ chính thức thảo luận về chế độ này từ năm 2022, xét tới điều kiện thị trường lao động, xu hướng già hóa ngày càng nghiêm trọng. Hiện tại, phần lớn dư luận đều đồng tình rằng cần tiến hành thảo luận rộng rãi trong xã hội về việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu, hiện là 60 tuổi. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được đưa vào “danh mục các bài toán trọng điểm” mà Chính phủ sẽ xúc tiến. Ngược lại, Chính phủ quyết định mở rộng trợ cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên 60 tuổi, như một giải pháp ngắn hạn.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

“Chế độ tiếp tục tuyển dụng” được phân tích là bước “mở màn” nhằm giải quyết các vấn đề nảy sinh do sự thay đổi cơ cấu dân số, đặc biệt là hiện tượng già hóa dân số. Mặc dù việc sửa đổi chế độ tuyển dụng xuất phát từ sự gia tăng dân số cao tuổi, sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, là điều bất khả kháng, nhưng Chính phủ cần xây dựng một đề án hợp lý, trong bối cảnh khó xúc tiến kéo dài độ tuổi nghỉ hưu ngay lập tức. Đề án này chính là “chế độ tiếp tục tuyển dụng” được đề cập ở trên.

 

Hàn Quốc được dự báo sẽ bước vào xã hội siêu già vào năm 2025. Theo đó, việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu là điều không thể tránh khỏi. Trong tình hình đó, “chế độ tiếp tục tuyển dụng” có thể mang lại hiệu quả thực tế, trước khi Chính phủ chính thức áp dụng kéo dài tuổi nghỉ hưu trên phương diện pháp lý.


Tranh cãi và triển vọng

Về chế độ này, một số ý kiến đặt ra nghi vấn rằng việc quy định nghĩa vụ duy trì tuyển dụng với người lao động sau khi đã qua độ tuổi nghỉ hưu, trên thực tế cũng không khác nào việc kéo dài độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Chính phủ giải thích rằng “chế độ tiếp tục tuyển dụng” đặt trọng tâm vào việc hình thành các điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có thể tiếp tục tuyển dụng người lao động đã qua độ tuổi nghỉ hưu, hơn là mang ý nghĩa về mặt quy định pháp lý như việc kéo dài tuổi nghỉ hưu.

 

Ngược lại, các doanh nghiệp cho rằng việc Chính phủ tiếp tục kéo dài tuổi nghỉ hưu, chỉ ba năm sau khi nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 như hiện hành, mà không kèm theo đối sách bổ sung nào, sẽ chỉ làm gia tăng gánh nặng tuyển dụng cho doanh nghiệp. Hàn Quốc bắt đầu áp dụng chế độ tuổi nghỉ hưu là 60 vào năm 2013, trong Luật tuyển dụng người cao tuổi sửa đổi. Tuy nhiên, nhằm giảm cú sốc tới thị trường tuyển dụng, tuổi nghỉ hưu 60 trên thực tế được bắt đầu áp dụng theo giai đoạn từ năm 2016, tùy theo quy mô doanh nghiệp.

 

Ngoài ra, trong bối cảnh dư luận vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau về “chế độ giảm dần lương theo giai đoạn” (Salary Peak), việc Chính phủ chỉ kéo dài độ tuổi nghỉ hưu mà không có sự điều chỉnh về hệ thống tiền lương theo thâm niên như hiện nay, sẽ càng làm tồi tệ thêm vấn nạn thất nghiệp ở thanh niên, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và người lao động, làm sâu sắc thêm sự phân hóa trên thị trường tuyển dụng. Bên cạnh đó, một số ý kiến chỉ ra rằng thời điểm chính thức thảo luận được đề cập đến là năm 2022, có nghĩa là cuối nhiệm kỳ của Chính phủ đương nhiệm, nên chưa có gì đảm bảo chắc chắn chế độ mới có được đưa vào áp dụng trên thực tế hay không.

Lựa chọn của ban biên tập