Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bùng phát dịch tả lợn châu Phi

2019-09-21

Tin tức

ⓒYONHAP News

Sau khi liên tiếp phát hiện hai ổ dịch tả lợn châu Phi (ASF) tại thành phố Paju và huyện Yeoncheon (tỉnh Gyeonggi), Chính phủ Hàn Quốc ngày 18/9 quyết định chủ động phòng dịch một cách quyết liệt, trước tiên là tiến hành tiêu hủy và chôn lấp toàn bộ số lợn nuôi tại các trang trại xung quanh khu vực phát hiện ổ dịch, ngăn ngừa sớm sự lan rộng của dịch bệnh nguy hiểm này.

 

Tăng cường các biện pháp phòng dịch

Bộ Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi và lương thực Hàn Quốc ngày 18/9 tuyên bố tiến hành tiêu hủy toàn bộ lợn nuôi tại các trang trại nằm trong bán kính 3 km từ trang trại phát hiện ổ dịch thứ hai ở huyện Yeoncheon, tỉnh Gyeonggi. Phạm vi tiêu hủy được mở rộng hơn nhiều so với phạm vi được quy định trong “Hướng dẫn hành động khẩn cấp đối với dịch tả lợn châu Phi” hiện hành chỉ là 500m.

 

Cùng với đó, Bộ Nông lâm sẽ tăng cường quản lý đặc biệt đối với 6 huyện, thành phố được chỉ định là “Khu vực quản lý trọng điểm”, gồm thành phố Paju, huyện Yeoncheon, và 4 địa phương lân cận là thành phố Pocheon, Dongducheon, Gimpo (cùng tỉnh) và huyện Cheorwon (tỉnh Gangwon). Tại những địa phương này hiện có 442 trang trại chăn nuôi lợn, với tổng đàn là 710.000 con. Bộ Nông lâm quyết định kéo dài thời gian áp dụng lệnh cấm vận chuyển lợn tại các địa phương trên, sang các khu vực khác, từ một tuần lên thành ba tuần. Cấm người ra vào tất cả các cơ sở chăn nuôi gia súc thuộc 6 địa phương trên trong vòng ba tuần, chỉ trừ những đối tượng tới với mục đích đối phó dịch, như bác sĩ thú y, nhân viên doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi.


Dịch tả lợn châu Phi

Tả lợn châu Phi là dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở khu vực châu Phi. Gia súc bị nhiễm loại virút động lực cao này có tỷ lệ tử vong lên tới 100 % và hiện vẫn chưa có vắc-xin hay thuốc đặc trị. Đây là loại bệnh truyền nhiễm giữa động vật, lợn với lợn hoặc lợn rừng, không ảnh hưởng tới cơ thể người. Virus được truyền trực tiếp từ phân của lợn bị nhiễm bệnh, thời gian ủ bệnh có thể là từ 4 từ 19 ngày. Khi bị nhiễm bệnh, lợn sẽ có các triệu chứng như sốt cao, chán ăn, không thể đi lại, nôn, xuất huyết trên da, và thường chết trong khoảng 10 ngày.

 

Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại các quốc gia Đông Âu, như Ukraina, Rumani, Ba Lan, Hungary. Năm ngoái, sau khi lan tới Trung Quốc, dịch bệnh tiếp tục lan rộng ra sang các quốc gia láng giềng, như Mông Cổ, Bắc Triều Tiên và các nước Đông Nam Á. Chính quyền Trung Quốc đã phải tiêu hủy hơn 100 triệu con lợn, khiến giá thịt lợn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này đã tăng tới 50%. Ngày 30/5 vừa qua, Miền Bắc đã chính thức xác nhận về việc bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại nước này. Với Hàn Quốc, ổ dịch đầu tiên bị phát hiện là vào ngày 17/9 tại một trang trại chăn nuôi lợn ở thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi. Một ngày sau (18/9), tiếp tục phát hiện thêm ổ dịch mới ở trang trại thuộc huyện Yeoncheon cùng tỉnh. Cả hai địa phương này đều nằm ở khu vực tiếp giáp biên giới với miền Bắc, nên nhiều khả năng dịch bệnh đã bị truyền từ lợn rừng nhiễm bệnh ở Bắc Triều Tiên.

 

Ảnh hưởng và dự báo

Các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã tích cực đối phó phòng dịch một cách khẩn trương, như ban lệnh cấm vận chuyển lợn, cấm di chuyển, kiểm soát ra vào các trang trại, tiêu hủy, chôn lấp, khử trùng triệt để.

 

Bộ Nông lâm trấn an người dân rằng đây là một loại bệnh truyền nhiễm trên động vật, không lây sang người. Lợn bị nhiễm bệnh không được phép lưu thông trên thị trường, và nếu chẳng may ăn phải thịt lợn bị bệnh nhưng được nấu chín thì cũng không vấn đề gì. Tuy nhiên, bất an trong dân chúng vẫn đang lan rộng, khiến giá thịt lợn bán buôn đang tăng mạnh, người dân bắt đầu quay lưng lại với thịt lợn.

 

Hiện tại, trên toàn Hàn Quốc có hơn 6.000 trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn 12 triệu con. Nếu Chính phủ thất bại trong công tác đối phó giai đoạn đầu thì tất cả những trang trại này sẽ rơi vào tình thế hết sức nguy hiểm, nguy cơ đối mặt với thiệt hại vô cùng lớn như trường hợp của Trung Quốc. Do đó, Chính phủ đã quyết định đối phó một cách tích cực và quyết liệt hơn so với quy định hiện hành, nhằm chủ động ngăn chặn sớm và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong nước.

Lựa chọn của ban biên tập