Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Một năm Tuyên bố chung Bình Nhưỡng

2019-09-21

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 19/9 là kỷ niệm một năm lãnh đạo hai miền Nam-Bắc thông qua Tuyên bố chung Bình Nhưỡng. Sau khi Tuyên bố chung ra đời, hai bên đã có nhiều động thái thực thi một số nội dung nhất trí. Tuy nhiên, kể từ sau thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội hồi cuối tháng 2 năm nay, quan hệ liên Triều trên thực tế đã bị đóng băng toàn diện.

 

Tuyên bố chung Bình Nhưỡng

Tuyên bố chung Bình Nhưỡng được thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 lần thứ ba tại Bình Nhưỡng, giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 19/9 năm ngoái. Tuyên bố đề ra nhiều biện pháp đa dạng, nhằm giải tỏa nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Hàn Quốc một cách thực chất, những sáng kiến hợp tác kinh tế cụ thể ở các lĩnh vực nhân đạo, văn hóa, xã hội, chuyến thăm miền Nam của nhà lãnh đạo miền Bắc, nhằm phát triển quan hệ liên Triều tiến lên một giai đoạn mới.

 

Việc ký kết văn kiện được đánh giá là một sự kiện lịch sử, diễn ra sau một loạt những thay đổi bất ngờ trên bán đảo Hàn Quốc, khởi đầu từ việc Bắc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc. Trong bầu không khí đối thoại được hình thành nhân Thế vận hội, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất đã được tổ chức tại Bàn Môn Điếm vào ngày 27/4 cùng năm. Tiếp đó, vào ngày 26/5, lãnh đạo hai nước có cuộc gặp lần thứ hai cũng tại Bàn Môn Điếm. Chính cuộc gặp này đã giúp “cứu vãn” hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên trong lịch sử, khi đó đang đứng trước nguy cơ đổ bể.

 

Tuyên bố chung Bình Nhưỡng được lãnh đạo hai miền Nam-Bắc nhất trí trong bối cảnh tình hình bán đảo Hàn Quốc có những chuyển biến đầy bất ngờ như vậy. Bởi thế, nội dung văn kiện bao gồm những đối sách cải thiện quan hệ liên Triều mang tính bước ngoặt.

 

Quá trình thực thi nội dung nhất trí

Một tháng sau khi ký Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tổ chức cuộc hội đàm cấp cao, xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung nhất trí theo từng lĩnh vực. Hai bên nhất trí về lịch trình hợp tác đường sắt, đường bộ, lâm nghiệp, y tế, thể thao, vấn đề gia đình bị ly tán. Tiếp đó, hai miền đã tổ chức các cuộc hội đàm cấp chuyên viên theo từng lĩnh vực, tổ chức lễ khởi công kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt, đường bộ liên Triều.

 

Nội dung được triển khai nhanh chóng và thuận lợi nhất chính là ở lĩnh vực quân sự. Nhân Hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng, hai miền ký kết “Biên bản nhất trí thực thi Tuyên bố Bàn Môn Điếm ở lĩnh vực quân sự”, bao gồm các biện pháp thực chất nhằm giải tỏa căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc, như dừng toàn bộ các hành vi thù địch lẫn nhau trên mặt đất, trên biển và trên không, phi vũ trang Khu vực an ninh chung (JSA) Bàn Môn Điếm, rút thí điểm trạm gác phía trong Khu phi quân sự liên Triều (DMZ). Sau đó, hai bên đã hoàn tất việc rút thí điểm trạm gác, binh lực và vũ khí phía trong JSA. Từ ngày 1/11 năm ngoái, hai miền đã dừng toàn bộ các hành vi thù địch lẫn nhau, đồng thời tiếp tục rút thí điểm trạm gác trong DMZ, tiến hành công tác kiểm chứng chung. Tuy nhiên, cuộc hội đàm chính thức lần cuối cùng giữa hai bên là cuộc hội đàm ở lĩnh vực thể thao, diễn ra vào ngày 14/12 cùng năm. Việc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội không đi tới thỏa thuận nào, khiến quan hệ liên Triều rơi vào bế tắc kéo dài. Hai bên thậm chí đã không thể tổ chức được cuộc hội đàm Chữ thập đỏ liên Triều, nhằm thảo luận về việc khôi phục Trung tâm đoàn tụ các gia đình bị ly tán ở núi Geumgang, tổ chức đoàn tụ qua video.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Tuyên bố chung Bình Nhưỡng là một sự kiện mang tính lịch sử, trong đó lãnh đạo hai miền Nam-Bắc thể hiện quyết tâm theo đuổi hòa bình thông qua việc giải quyết căn bản căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, khác với kỳ vọng ban đầu, quan hệ liên Triều đang lâm vào cục diện “nhàm chán” kéo dài, khó có thể kỳ vọng về việc tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung nhất trí. Thêm vào đó, trong năm nay, Bắc Triều Tiên hoàn toàn thờ ơ với đối thoại và hợp tác liên Triều, chỉ chú tâm vào đàm phán trực tiếp với Mỹ. Đặc biệt, miền Bắc còn 10 lần thử tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực, đẩy cao mức độ uy hiếp quân sự đối với miền Nam.

 

Tuy nhiên, bầu không khí dường như đang có sự thay đổi sau khi Bắc Triều Tiên ra một tuyên bố dưới danh nghĩa Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui, đề xuất nối lại đối thoại cấp chuyên viên với Mỹ vào cuối tháng 9. Theo đó, dư luận lại tiếp tục quan tâm đến vai trò “chất xúc tác” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ diễn ra bên lề khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York trong tuần sau.

Lựa chọn của ban biên tập