Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Các nghị sự được quan tâm tại thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới

2019-09-20

Tin tức

Các nghị sự được quan tâm tại thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới

Nghị sự trọng tâm trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ dự kiến diễn ra ngày 23/9 tại New York, chính là vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên. Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới vai trò “chất xúc tác” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong đối thoại Mỹ-Triều. Một chủ đề khác cũng không kém phần quan trọng, đó là phương án củng cố quan hệ đồng minh và phối hợp Hàn-Mỹ. Ngoài ra, một số vấn đề nổi cộm khác có thể kể đến như việc Hàn Quốc quyết định chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật, và vấn đề chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ.


Đối thoại Mỹ-Triều

Nghị sự được quan tâm hàng đầu chính là đối thoại Mỹ-Triều, đang bước vào giai đoạn chín muồi. Bắc Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải mang tới một “cách tính toán mới” trong vòng đàm phán sắp tới, đề xuất tổ chức đối thoại cấp chuyên viên vào cuối tháng 9. Về điều này, Washington liên tục đưa ra phản ứng khá tích cực. Đặc biệt, ngay sau đề nghị của miền Bắc, Tổng thống Mỹ đã sa thải Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, một nhân vật mà Bình Nhưỡng không chào đón nhất. Dù lý do sa thải có liên quan tới bất đồng ý kiến về chính sách Bắc Triều Tiên hay không, nhưng điều này là một dấu hiệu tích cực trong việc nối lại đối thoại Mỹ-Triều.


Tuy nhiên, Mỹ và Bắc Triều Tiên vẫn đang bất đồng về giải pháp. Trong khi Washington khẳng định phải đạt được một “thỏa thuận lớn trọn gói”, thì Bình Nhưỡng lại đề ra giải pháp “từng giai đoạn”. Cho đến hiện tại, hai nước dường như vẫn chưa tìm ra được điểm chung. Tân Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien cũng được coi là một nhân vật theo phái “diều hâu”, tức theo đuổi đường lối cứng rắn. Ông này chủ trương “hòa bình thông qua sức mạnh”. Tân Cố vấn O’Brien từng có kinh nghiệm làm việc với ông Bolton thời ông Bolton giữ chức Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc. Ngoài ra, ông O’Brien còn là một nhân vật giành được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Theo đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì đường lối gây sức ép thông qua cấm vận để khiến Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa, trái ngược với hy vọng của miền Bắc. Có nghĩa rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ khó đưa ra được một “cách tính toán mới” mà Bình Nhưỡng có thể chấp nhận được. 


Vai trò của Tổng thống Moon Jae-in

Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ diễn ra đúng bối cảnh này, một lần nữa khiến dư luận lại chú ý đến vai trò “chất xúc tác” của Tổng thống Moon Jae-in. Phủ Tổng thống cho biết tại cuộc gặp sắp tới, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về phương án hợp tác, nhằm phi hạt nhân hóa một cách toàn diện, thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn Quốc. Điều này cho thấy Tổng thống Moon sẽ nỗ lực thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều, từ đó để tiến tới tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba. Dư luận cũng hết sức quan tâm tới phương án mà Tổng thống Moon sẽ đưa ra, nhằm thu hẹp bất đồng giữa Washington và Bình Nhưỡng. Có khả năng ông Moon sẽ đưa ra một “gợi ý” về lộ trình phi hạt nhân hóa và kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn. Để phi hạt nhân hóa, các bên liên quan cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề phức tạp, từ việc định nghĩa khái niệm “phi hạt nhân hóa”, cho tới kế hoạch thực hiện cụ thể, rất khó để giải quyết tất cả cùng một lúc. Do vậy, ưu tiên hàng đầu giờ đây là Mỹ và Bắc Triều Tiên cần phải tìm ra một điểm chung để có thể thu hẹp bất đồng. Điều này đòi hỏi vai trò của Tổng thống Hàn Quốc, người hiểu rõ lập trường và có thể thuyết phục cả Washington và Bình Nhưỡng. Cùng với đó, dư luận cũng quan tâm tới thông điệp của Bắc Triều Tiên mà Tổng thống Moon sẽ chuyển tới Tổng thống Trump. Một quan chức Phủ Tổng thống không xác nhận cũng không bác bỏ thông tin liệu ông Moon sẽ truyền đạt thông điệp của Bình Nhưỡng tới Washington, chỉ nói rằng có những nội dung mà lãnh đạo Hàn-Mỹ cần phải trao đổi trên phương diện đồng minh. 

Hiện tại, Bắc Triều Tiên đang đề ra hai yêu cầu với Mỹ, đó là bảo đảm sự an toàn cho thể chế và giảm nhẹ cấm vận. Ngược lại, Mỹ vẫn đang “cố thủ” lập trường “phi hạt nhân hóa trước, giảm nhẹ cấm vận sau”. Tuy nhiên, dường như Washington đang có phần “linh động” hơn đối với yêu cầu về việc bảo đảm an toàn cho thể chế miền Bắc.

Lựa chọn của ban biên tập