Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tượng “Thiếu nữ Hòa bình” tiếp tục trưng bày

2019-10-05

Tin tức

ⓒKBS News

Tượng “Thiếu nữ Hòa bình”, biểu tượng cho các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến, đã tiếp tục xuất hiện tại Triển lãm "Aichi Triennale 2019”, đang diễn ra ở thành phố Nagoya, tỉnh Aichi, Nhật Bản, sau một thời gian bị dừng trưng bày do sức ép từ các thế lực bảo thủ và Chính phủ nước này.


Tiếp tục trưng bày tượng “Thiếu nữ Hòa bình”

Tượng “Thiếu nữ Hòa bình” được trưng bày trong gian triển lãm mang tên “Phía sau Tự do ngôn luận?” (After Freedom of Expression?), thuộc khuôn khổ Triển lãm "Aichi Triennale 2019”, khai mạc vào 1/8 vừa qua. Triển lãm này được coi là một lễ hội nghệ thuật quốc tế có quy mô lớn nhất Nhật Bản, được tổ chức ba năm một lần tại tỉnh Aichi. Đây là lần đầu tiên, tượng “Thiếu nữ Hòa bình” được trưng bày tại một triển lãm mỹ thuật Nhà nước của Nhật Bản, nên đã thu hút sự quan tâm lớn của công chúng “xứ sở hoa anh đào”, và trên thực tế lượng khách tới tham quan là rất đông đảo. Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau lễ khai mạc, tức ngày 3/8, Ban tổ chức triển lãm đã quyết định dừng trưng bày bức tượng, đồng thời đóng cửa hẳn gian triển lãm “Phía sau T ự do ngôn luận?”, do sự đe dọa từ các thế lực bảo thủ và sức ép của Chính phủ Nhật Bản. Trước khi đưa ra quyết định chính thức, Thị trưởng thành phố Nagoya, ông Takashi Kawamura, từng công khai yêu cầu dừng trưng bày bức tượng. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga trong một buổi họp báo cũng để ngỏ khả năng sẽ dừng hỗ trợ cho Triển lãm Aichi. Tiếp đó, Bộ Văn hóa Nhật Bản đã hủy khoản tiền hỗ trợ cho toàn bộ triển lãm. Các động thái trên của Tokyo bị chỉ trích rõ ràng là hành vi kiểm duyệt.

 

Trước tình hình này, Ban tổ chức gian triển lãm “Phía sau Tự do ngôn luận?” đã đệ trình Tòa án thành phố Nagoya, yêu cầu tiếp tục trưng bày bức tượng. Sau quá trình đàm phán, cuối cùng các bên nhất trí tiếp tục trưng bày tượng "Thiếu nữ Hòa bình" từ ngày 6/10 tới hôm bế mạc triển lãm là 14/10.


Tượng “Thiếu nữ Hòa bình”

Tượng “Thiếu nữ Hòa bình” là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, tượng trưng cho những tổn hại do chế độ nô lệ tình dục phục vụ quân lính Nhật Bản trong Thế chiến II gây ra. Tượng “Thiếu nữ Hòa bình” lần đầu được đặt trước trụ sở Đại sứ quán Nhật Bản ở quận Jongno, Seoul, vào ngày 14 tháng 12 năm 2011, nhân kỷ niệm lần thứ 1.000 “Cuộc biểu tình ngày thứ Tư” kêu gọi giải quyết vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Bức tượng hình một thiếu nữ trẻ mặc trang phục truyền thống Hanbok, tóc ngắn, ngồi tựa lưng vào ghế, nhìn về phía Đại sứ quán Nhật Bản, có chiều cao 130 cm, là tác phẩm của hai nghệ nhân Kim Seo-kyung và Kim Eun-sung. Bức tượng tái hiện hình ảnh nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến, bị ép mua vui cho quân đội Nhật Bản từ lúc mới chỉ 14 đến 16 tuổi. Ngoài ra, bên cạnh bức tượng còn có một chiếc ghế trống, mang ý nghĩa kêu gọi người xem hãy đồng cảm cùng nỗi đau mà các nạn nhân đã phải trải qua. Sau đó, tượng “Thiếu nữ Hòa bình” đã được dựng ở nhiều nước, như Mỹ, Úc, trở thành một trong những biểu tượng cho nữ quyền.

 

Ý nghĩa của việc tiếp tục trưng bày tượng “Thiếu nữ Hòa bình”

Vụ việc tượng “Thiếu nữ Hòa bình” lần này vừa cho thấy sự phủ nhận lịch sử của các thế lực bảo thủ Nhật Bản, vừa đồng thời ghi nhận lương tâm của người dân Nhật Bản nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Mặc dù khó có thể kỳ vọng các vấn đề lịch sử giữa hai nước Hàn-Nhật sẽ được giải quyết dưới sự đe dọa của các thế lực bảo thủ và sức ép của Chính phủ Nhật Bản, nhưng vẫn có thể hy vọng về sự tồn tại của lương tâm người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến phản đối quyết định tiếp tục trưng bày tượng “Thiếu nữ Hòa bình”. Chính phủ Nhật Bản đang tích cực cản trở các động thái dựng tượng “Thiếu nữ Hòa bình” một cách có tổ chức, và nhiều bức tượng ở một số nơi trên thế giới đang bị phá hoại. Bất chấp những khó khăn trên, việc vụ việc tượng “Thiếu nữ Hòa bình” lần này chính là cơ hội để lan tỏa vấn đề nô lệ tình dục thời chiến trong dư luận Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới, kêu gọi Tokyo hối lỗi chân thành về quá khứ, phát triển quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập