Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Phương án cải cách Viện Kiểm sát

2019-10-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhân kỷ niệm một tháng nhậm chức, Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk ngày 8/10 đã công bố phương án cải cách Viện Kiểm sát. Trong buổi họp báo tổ chức vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Cho công bố “các bài toán cần xúc tiến nhanh” nhằm cải cách Viện Kiểm sát, cam kết tiến hành điều chỉnh quy định liên quan ngay từ tháng này.

 

Nội dung phương án cải cách

Nội dung đáng chú ý nhất trong phương án cải cách Viện Kiểm sát của Bộ trưởng Tư pháp là xóa bỏ bộ phận đặc nhiệm tại tất cả các Viện Kiểm sát cấp dưới, chỉ để lại ba nơi, trong đó có Viện Kiểm sát khu vực Trung Seoul, đổi tên thành “Bộ phận điều tra chống tham nhũng”. Đây là bộ phận điều tra tiêu biểu của Viện Kiểm sát, được lập ra lần đầu tại Viện Kiểm sát tối cao vào năm 1973. Trong thời gian qua, bộ phận này đóng vai trò chủ đạo quá trình điều tra tiêu cực ở giới công chức cấp cao hay doanh nhân, nên bị mang tiếng xấu là “kiểm sát chính trị”. Kể từ sau khi Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in ra mắt, bộ phận đặc nhiệm đã tiến hành điều tra đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye, Lee Myung-bak và Phó Chủ tịch tập đoàn điện tử Samsung Lee Jae-yong. Hiện tại, bộ phận này cũng đang phụ trách điều tra các thành viên trong gia đình Bộ trưởng Cho.

Bên cạnh đó, còn có một nội dung cải cách khác là hạn chế phương thức “mở rộng điều tra các vụ việc riêng rẽ” của Viện Kiểm sát. Trước đây, trong quá trình làm sáng tỏ các nghi ngờ phạm tội đặc biệt, Viện Kiểm sát có thể mở rộng điều tra sang cả các vụ án khác nhau, dù không có cáo buộc liên quan, thu thập chứng cứ, nhằm mục đích khởi tố vụ án. Ngoài ra, Bộ trưởng Cho Kuk cũng công bố sẽ cải thiện các thông lệ điều tra của Viện Kiểm sát, như cấm công khai cáo buộc trong một vụ án, cấm điều tra trong thời gian dài và thông đêm.

 

Ý nghĩa

Phần lớn dư luận đều đồng tình về sự cần thiết phải cải cách Viện Kiểm sát, giảm thiểu những tác dụng phụ từ sự bành trướng quyền lực của cơ quan này. Nhiều ý kiến chỉ trích rằng Viện Kiểm sát đang phục vụ mục đích chính trị, “trung thành với chính quyền”, cùng với đó là những tranh cãi về việc xâm hại nhân quyền phía sau các thông lệ điều tra của Viện Kiểm sát. Trước thực trạng này, Chính phủ đang xúc tiến tách hẳn Viện Kiểm sát ra khỏi Bộ Tư pháp. Trong thời gian qua, các quan chức chủ chốt trong Bộ Tư pháp phần lớn đều là những người xuất thân từ công tố viên. Theo đường lối mới của Chính phủ đương nhiệm, các vị trí quan trọng trong Bộ Tư pháp sẽ được lựa chọn từ những người không có xuất thân từ công tố viên, nhằm khắc phục thực trạng Viện Kiểm sát thao túng Bộ Tư pháp như thời gian qua.

Bộ trưởng Cho Kuk tái khẳng định sẽ đẩy nhanh thực hiện và hoàn thành bài toán cải cách Viện Kiểm sát trong năm nay, cam kết sẽ sửa đổi “Quy định về tổ chức hành chính Viện Kiểm sát” trong tháng 10, nhằm thu hẹp, tiến tới xóa bỏ bộ phận đặc nhiệm. Quy định này là sắc lệnh của Tổng thống, nên cần phải trải quy trình phê duyệt tại cuộc họp Nội các. Bộ trưởng Tư pháp cũng cam kết sẽ xúc tiến điều chỉnh nhanh các quy định liên quan khác, nhằm chấn chỉnh thông lệ điều tra của Viện Kiểm sát.

 

Tranh cãi và triển vọng

Cho đến nay, dân chúng đã thể hiện sự đồng tình cao về vấn đề cải cách Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, phương án cải cách lại được đưa ra trong bối cảnh chính gia đình Bộ trưởng Tư pháp đang bị Viện Kiểm sát điều tra về nhiều cáo buộc. Mặc dù Bộ trưởng Cho nhấn mạnh phương án cải cách nêu trên là nhằm “thực hiện quyền kiểm sát một cách tiết chế, tôn trọng nhân quyền”,, song một số ý kiến lại đặt câu hỏi rằng bản thân Bộ trưởng Cho liệu có đủ tư cách đề xướng cải cách Viện Kiểm sát. Đặc biệt, một số ý kiến chỉ trích gia đình Bộ trưởng Tư pháp là những người được hưởng lợi đầu tiên từ việc giảm bớt và xóa bỏ bộ phận đặc nhiệm, cải thiện thông lệ điều tra. Tranh cãi trong dư luận vẫn đang tiếp diễn về tính chân thực của chính sách cải cách Viện Kiểm sát. Rốt cuộc, cải cách Viện Kiểm sát bị cho là một cuộc chạy đua tranh giành quyền lực giữa Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk và Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Yoon Seok-yeol.

Tại Hàn Quốc, hiện đang diễn ra đồng thời hai chiến dịch biểu tình quy mô lớn, một phản đối, một ủng hộ Bộ trưởng Cho Kuk. Trên chính trường, phe cầm quyền và đối lập cũng đang tiếp tục công kích nhau gay gắt, không nhân nhượng. Dự báo quá trình thông qua các dự luật cải cách tại Quốc hội, như dự luật điều chỉnh thẩm quyền điều tra giữa Viện Kiểm sát và Cơ quan Cảnh sát, sẽ còn rất gian nan.

Lựa chọn của ban biên tập