Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Washington yêu cầu Seoul tăng mạnh khoản chia sẻ chi phí quân sự

2019-11-02

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhiều ý kiến đang lo ngại việc Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tăng mạnh chi phí đóng góp cho lực lượng quân đồn trú nước này có thể gây tổn hại tới quan hệ đồng minh song phương. Ngay cả các thượng nghị sĩ Mỹ cũng đang chỉ trích đường lối của Chính phủ Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, tân Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ Lee Soo-hyuck nhấn mạnh kết quả đàm phán mới quan trọng, Hàn Quốc không cần quá “ám ảnh” về con số Mỹ đưa ra.

 

Đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ

Trong hai ngày 22-23/10 vừa qua, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức vòng đàm phán thứ hai Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ (SMA) lần thứ XI tại Hawaii. Vòng đàm phán đã diễn ra hết sức căng thẳng, bởi Washington yêu cầu nâng mạnh khoản đóng góp của Hàn Quốc. Được biết, Mỹ đã đề ra con số là 5 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với mức đóng góp hiện nay của Seoul. Con số này phản ánh quan điểm của Tổng thống Donald Trump. Do vậy, dự báo Mỹ sẽ không dễ nhún nhường trong các vòng đàm phán tiếp theo. Quan điểm của Tổng thống Mỹ được thể hiện rõ trong cuốn sách gần đây của ông Guy Snodgrass, từng là thư ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Cuốn sách tiết lộ Tổng thống Trump khi mới nhậm chức đã cân nhắc tới việc rút quân đồn trú của nước này tại Hàn Quốc, đề xuất khoản đóng góp ở mức hợp lý của Seoul là 60 tỷ USD. Thậm chí cuốn sách còn miêu tả Hàn Quốc là “quái vật bòn rút từ Mỹ”.


Phương hướng đàm phán

Hiện tại, quá trình đàm phán giữa hai bên vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa dự đoán được phương hướng tiếp theo. Dựa vào thái độ trên của Mỹ, chắc chắn vòng đàm phán lần này sẽ khó khăn hơn bất cứ vòng đàm phán nào trong quá khứ.

 

Một trở ngại nữa cho quá trình đàm phán là Mỹ yêu cầu đưa cả các hạng mục vốn không có trong Hiệp định Quy chế dành cho quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc (SOFA) vào khoản gánh vác của Seoul. Hiệp định này quy định các khoản đóng góp của Hàn Quốc bao gồm: tiền lương cho nhân sự người Hàn, chi phí xây dựng quân sự, chi phí hỗ trợ hậu cần. Tuy nhiên, lần này, truyền thông đưa tin Mỹ còn yêu cầu Seoul gánh vác cả chi phí triển khai vũ khí chiến lược của Washington tới bán đảo Hàn Quốc. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin này, nhưng phần lớn giới phân tích đều cho rằng đây sẽ là “quân bài” mà Washington có thể đưa ra bất cứ lúc nào. Nếu đúng như vậy, hai bên sẽ phải lập thêm một điều khoản mới là “chi phí hỗ trợ tác chiến” trong Hiệp định SOFA. Một số ý kiến lo ngại điều này có thể gây tổn hại tới quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Không những thế, được biết Mỹ còn yêu cầu Seoul phải gánh vác cả chi phí nhân công cho lực lượng quân đồn trú Mỹ và chi phí hỗ trợ cho gia đình các binh lính. Khi đó, bản chất lực lượng quân đồn trú Mỹ sẽ không còn là “quân đồng minh” nữa, mà là “lính đánh thuê”. Một điều quan trọng nữa là Mỹ yêu cầu mở rộng phạm vi quản lý khủng hoảng liên quân thêm cả “khi xảy ra tình huống nguy cấp tại Mỹ”, thay vì “khi xảy ra tình huống nguy cấp trên bán đảo Hàn Quốc” như hiện tại. Có nghĩa là, Hàn Quốc có thể sẽ phải điều động binh lực hỗ trợ tới các khu vực tác chiến của quân đội Mỹ trong những tình huống nguy cấp.

 

Lập trường của Chính phủ

Chính phủ Hàn Quốc cho biết trong hai vòng đàm phán vừa rồi, hai bên mới chỉ dừng lại ở việc xác định lại lập trường của đối phương, đạt được nhất trí ở một số phần. Trong thời gian tới, Seoul sẽ tiếp tục thảo luận chặt chẽ với Washington, nỗ lực đạt một kết quả đàm phán mà đôi bên cùng chấp nhận. Trong khi đó, hàng loạt thượng nghị sĩ Mỹ đang hối thúc Chính phủ Tổng thống Donald Trump đưa ra một con số công bằng, cân nhắc tới những đóng góp của Hàn Quốc. Luồng dư luận chỉ trích trong nội bộ nước Mỹ dự kiến sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Hàn Quốc trong các vòng đàm phán tiếp theo.

Lựa chọn của ban biên tập