Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hiệu quả kinh tế của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực

2019-11-05

Tin tức

Hiệu quả kinh tế của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực

Các nước nhất trí thỏa thuận RCEP

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) diễn ra ở Bangkok ngày 4/11, các nhà lãnh đạo 15 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã đồng ý trên nguyên tắc nội dung văn bản Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) do Trung Quốc khởi xướng. Các cuộc đàm phán về hiệp định này bắt đầu từ tháng 11/2012. Hiệp định được xúc tiến trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh để chiếm ưu thế trong việc thao túng trật tự kinh tế toàn cầu. Chính phủ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của các nước đồng minh và có quan hệ thân thiết với Mỹ như Nhật Bản, Australia và Canada, nhưng loại trừ Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng Washington muốn xây dựng mạng lưới bủa vây Trung Quốc về kinh tế, nên đã thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực để đối phó với động thái của Mỹ. Trong giai đoạn đầu, các cuộc đàm phán về TPP đã diễn ra suôn sẻ trong khi đàm phán về RCEP được tiến hành rất chậm chạp. Song, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, cục diện đã hoàn toàn thay đổi.


RCEP sẽ mở ra một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn

Dù Ấn Độ chưa thể hoàn tất đàm phán gia nhập RCEP, nhưng nếu tính cả nước này, hiệp định sẽ có sự tham gia của 16 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các nước tham gia RCEP có tổng dân số gần 3,6 tỷ người, chiếm 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Như vậy, RCEP sẽ mở ra thị trường lớn nhất thế giới, tạo điều kiện cho Hàn Quốc đẩy mạnh xuất khẩu. Dư luận kỳ vọng ngành chế tạo Hàn Quốc có thể tăng cường xuất khẩu sang 15 nước ký hiệp định và tham gia nhiều hơn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước thành viên. Thêm vào đó, “Chính sách phương Nam mới” của Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ được tích cực thúc đẩy .


Hàn Quốc sẽ hưởng nhiều ưu đãi từ RCEP

Đặc biệt, RCEP có thể đạt hiệu quả tối đa khi kết hợp với FTA, vì Hàn Quốc đã ký FTA song phương với tất cả các quốc gia tham gia RCEP trừ Nhật Bản. Do đó, Seoul có thể tiếp cận thị trường của các đối tác thương mại thông qua FTA và áp dụng các ưu đãi từ RCEP liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và các quy định thông quan. Cụ thể, Hàn Quốc có thể tránh khỏi “hiện tượng bát mỳ” (spaghetti bowl effect), tình trạng chồng chéo giữa các FTA vì một số hình thức hiệp định có những nguyên tắc về ưu đãi, nguồn gốc xuất xứ và thông quan khác nhau. Việc ký kết RCEP sẽ giải quyết những vấn đề phức tạp này và nâng cao hiệu quả của FTA. Các mặt hàng của Hàn Quốc được hưởng ưu đãi từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực là sản phẩm điện tử và ô tô, vì các nước thành viên RCEP có nhu cầu cao với các mặt hàng này. Cùng với đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tăng cường xây dựng nhà máy tại các nước Đông Nam Á như Malaysia và Việt Nam, đầu tư thêm vào lĩnh vực vận tải và tài chính kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện đang có những lo ngại về khả năng ngành nông thủy sản trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi RCEP, vì Trung Quốc, Australia và New Zealand xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản trong khi các nước ASEAN lại có sức cạnh tranh trong lĩnh vực thủy sản. Khi bắt đầu các cuộc đàm phán về RCEP năm 2012, Viện nghiên cứu chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc (KIEP) đã phân tích hiệu quả kinh tế của hiệp định này. Theo đó, GDP thực tế của Hàn Quốc dự kiến tăng từ 1,21 đến 1,76% trong vòng 10 năm tới, hiệu quả kinh tế người tiêu dùng được hưởng sẽ từ 11,35 tỷ đến 19,45 tỷ USD. Nền kinh tế của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN đã phát triển mạnh mẽ so với những năm đầu 2010, nên hiệu quả kinh tế thực của RCEP sẽ cao hơn nhiều so với mức dự đoán này.

Lựa chọn của ban biên tập