Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc thúc đẩy giải quyết vấn đề cưỡng ép lao động và nô lệ tình dục thời chiến

2019-11-06

Tin tức

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc thúc đẩy giải quyết vấn đề cưỡng ép lao động và nô lệ tình dục thời chiến

Hàn Quốc đề xuất thành lập quỹ vì nạn nhân cưỡng ép lao động

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang đã đề xuất phương án thành lập quỹ có đóng góp tự nguyện và lập dự luật để giải quyết hoàn toàn và vĩnh viễn vấn đề người Hàn bị cưỡng ép lao động và phụ nữ bị ép mua vui cho binh lính Nhật thời chiến. Phương án này đặc biệt gây chú ý do được đề xuất ngay sau cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và ba nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) tại Bangkok (Thái Lan). Cụ thể, Chủ tịch Moon Hee-sang đề xuất thành lập quỹ có đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp Hàn-Nhật và quyên góp của người dân cả hai nước. Thêm vào đó là 6 tỷ won (5,18 triệu USD) còn lại của Quỹ hòa giải, chữa lành vết thương cho nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến. Quỹ hòa giải này được thành lập dựa theo thỏa thuận Hàn-Nhật đạt được trong cuộc gặp Ngoại trưởng song phương giải quyết vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II vào tháng 12 năm 2015. Khi đó, Tokyo đã quyên góp 1 tỷ yen (tương đương 9,17 triệu USD) cho quỹ này. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền, Hàn Quốc đã thành lập nhóm chuyên trách xem xét lại thỏa thuận Hàn-Nhật về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến, và đã giải thể quỹ này vào tháng 7 năm nay. Đến nay, vẫn còn tồn tại một số vấn đề trong công tác giải thể, như phương hướng xử lý số tiền còn dư trong quỹ.


Chủ tịch Quốc hội kêu gọi đưa ra dự luật giải quyết vấn đề lịch sử

Trước đó, Hàn Quốc đã nhiều lần đề xuất và cân nhắc việc thành lập quỹ vì các nạn nhân bị cưỡng ép lao động và bị ép mua vui cho binh lính Nhật thời chiến. Đề xuất của Chủ tịch Moon được dư luận quan tâm vì phương án này có thể giải quyết vấn đề hoàn toàn và vĩnh viễn. Trước hết, hai nước cần thông qua dự luật, tạo căn cứ pháp lý để vận hành quỹ. Sau đó, quỹ sẽ trả “tiền bồi thường” cho các nạn nhân đã thắng kiện, như vậy các công ty Nhật Bản đã cưỡng ép lao động người Hàn Quốc sẽ được coi như đã hoàn tất bồi thường. Hành động trả tiền bồi thường này sẽ được coi như thủ tục “hòa giải” trong tố tụng dân sự, nên tất cả mọi tranh chấp về vấn đề cưỡng ép lao động và nô lệ tình dục thời chiến sẽ được cho là kết thúc hoàn toàn. Ông Moon Hee-sang cũng nhấn mạnh rằng dự luật cần quy định thời hạn cụ thể để giải quyết các vấn đề bồi thường cho những nạn nhân liên quan đến Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật ký năm 1965. Đặc biệt, hai bên cần thành lập “Ủy ban thẩm tra” để đảm bảo những tranh cãi này sẽ không tiếp diễn trong tương lai. 


Tokyo có thái độ hoài nghi về đề xuất của Seoul

Được biết, Nhật Bản đã có thái độ tiêu cực về đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản đưa tin nhiều quan chức Chính phủ và đảng cầm quyền Nhật Bản bày tỏ hoài nghi và từ chối phương án doanh nghiệp Nhật Bản trả chi phí để gây quỹ. Mặc dù vậy, đề nghị của ông Moon vẫn có thể góp phần thúc đẩy đối thoại giữa Seoul và Tokyo. Căng thẳng trong quan hệ Hàn-Nhật chỉ mang lại tổn thất lớn cho cả hai nước nên Hàn Quốc và Nhật Bản phải nỗ lực tìm ra lối thoát khỏi tình trạng này. 

Hai vấn đề lao động bị cưỡng ép và phụ nữ bị ép mua vui cho binh lính Nhật thời chiến chưa tìm được giải pháp và đã nhiều lần gây tranh cãi trong thời gian dài. Chính vì thế, hai nước cần lập ra một căn cứ trong khuôn khổ pháp lý mới có thể giải quyết được hoàn toàn, và quan hệ giữa Seoul và Tokyo mới có thể hướng tới tương lai. 

Lựa chọn của ban biên tập