Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Phân tích về vũ khí Bắc Triều Tiên phóng ngày 31/10

2019-11-07

Tin tức

Phân tích về vũ khí Bắc Triều Tiên phóng ngày 31/10

Xoay quanh vụ phóng “pháo phản lực siêu lớn” của Bắc Triều Tiên cuối tháng trước, giới chuyên gia đang đưa ra nhiều phân tích khác nhau. Quân đội Hàn Quốc đánh giá miền Bắc đã phóng “tên lửa đạn đạo”. Hiện tại, dư luận đang hết sức quan tâm tới năng lực “phóng di động” tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của miền Bắc, và việc nước này đã sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa.


Phân tích về vũ khí miền Bắc đã phóng

Trước tiên, một số chuyên gia nghi ngờ mức độ hoàn thiện của “pháo phản lực” mà miền Bắc đã phóng, cho rằng Hàn Quốc hoàn toàn có thể đánh chặn bằng hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. Giới chuyên gia nước ngoài cũng phân tích tương tự, căn cứ vào thời gian giữa các lần bắn của miền Bắc. Tốc độ bắn liên tục của pháo phản lực, nếu đã được kiểm chứng tính năng, là khoảng 20 đến 30 giây. Tuy nhiên, ngày 31/10 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã phóng hai vũ khí cách nhau ba phút. Có nghĩa là trong quá trình phóng đã xảy ra sai sót nào đó, hoặc nước này bố trí thời gian giữa hai lần phóng lâu hơn để giảm rủi ro thất bại. 


Giới chuyên gia Mỹ và Đức nêu khả năng miền Bắc đã phóng tên lửa đạn đạo, vì tầm bắn, vận tốc, cao độ của vũ khí đều cho thấy những đặc điểm điển hình của tên lửa đạn đạo. Điều này tương tự với đánh giá của Cơ quan tình báo quốc phòng (DIA) thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Trong buổi thanh tra tại Ủy ban Tình báo thuộc Quốc hội ngày 6/11, Giám đốc DIA Kim Young-hwan báo cáo rằng Bắc Triều Tiên đang bắt đầu chuyển sang sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa, thay vì nhiên liệu lỏng. Cho tới nay, nước này đã phóng khoảng 11 đến 12 tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa nhiên liệu rắn không cần thời gian tiếp nhiên liệu, khiến đối phương khó phát hiện sớm, nguy hiểm hơn nhiều so với tên lửa nhiên liệu lỏng. Tuy nhiên, Giám đốc DIA không đề cập chính xác miền Bắc có sử dụng nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay không. 


Lo ngại về năng lực “phóng di động”

Tranh cãi lớn nhất hiện nay xoay quanh năng lực phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ xe chuyên chở kiêm bệ phóng di động (TEL) của miền Bắc. Báo cáo lên Ủy ban Quốc hội, Giám đốc Kim khẳng định Bắc Triều Tiên vẫn chưa đủ năng lực này. Mặc dù miền Bắc đã có ý định sử dụng TEL để phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng không thể thực hiện được do xảy ra sự cố. Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc phòng không nói rõ miền Bắc đã phóng chủng loại tên lửa gì, vào lúc nào mà bị thất bại. Ông này chỉ xác nhận miền Bắc đã một lần phóng tên lửa đạn đạo tầm trung xa (IRBM) từ TEL.


Phát biểu trên của Giám đốc Kim trái ngược với nhận định của chính ông trong đợt Quốc hội thanh tra các cơ quan Nhà nước tháng trước, làm dư luận dấy lên tranh cãi. Khi đó, ông Kim nói rằng Bắc Triều Tiên đã phát triển đến trình độ có thể phóng được tên lửa từ bệ phóng di động. Bộ Quốc phòng giải thích phát ngôn này của ông Kim chỉ là đánh giá về khả năng phát triển công nghệ quân sự của miền Bắc, chứ không phải năng lực thực tế. Có nghĩa là, Bắc Triều Tiên vẫn chưa thể phóng trực tiếp tên lửa từ TEL, mà mới chỉ vận chuyển, dựng thẳng tên lửa bằng TEL, sau đó chuyển tên lửa sang một bệ phóng cố định trên mặt đất, rồi phóng đi.


Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng dù Bắc Triều Tiên vẫn chưa hoàn toàn phóng được tên lửa trực tiếp từ TEL, nhưng uy hiếp từ tên lửa miền Bắc đang ngày một nghiêm trọng hơn. Chỉ với phương thức hiện tại, miền Bắc rõ ràng đã có thể rút ngắn đáng kể thời gian phóng, gây nhiều khó khăn cho quân đội miền Nam trong quá trình thăm dò, phát hiện và đánh chặn tên lửa. Về lo ngại này, Giám đốc DIA cho biết theo kế hoạch, từ nay tới năm 2023, quân đội sẽ phóng tổng cộng 5 vệ tinh trinh sát. Các vệ tinh này sẽ thăm dò Bắc Triều Tiên với tần suất 2 tiếng/lần, giúp nâng cao năng lực thăm dò, phát hiện sớm tên lửa của quân đội.



Lựa chọn của ban biên tập