Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đối thoại kinh tế cấp cao Hàn-Mỹ

2019-11-09

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc và Mỹ ngày 6/11 đã tổ chức Đối thoại kinh tế cấp cao Hàn-Mỹ (SED) lần thứ 4 tại Seoul, thông qua tuyên bố chung với nội dung nỗ lực đẩy mạnh quan hệ kinh tế song phương. Được thiết lập nhân Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ tháng 10 năm 2015, SED là cơ chế thảo luận cấp Thứ trưởng về các vấn đề hợp tác kinh tế giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên Seoul và Washington thông qua tuyên bố chung tại sự kiện này.

 

Tuyên bố chung

Trưởng phái đoàn Hàn Quốc tham dự Đối thoại là Thứ trưởng Ngoại giao Lee Tae-ho. Phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kinh tế Keith Krach dẫn đầu. Quan chức hai nước đã tiến hành rà soát các vấn đề kinh tế, tìm kiếm phương án hợp tác trong thời gian tới. Trong Tuyên bố chung, hai nước nhấn mạnh quan hệ kinh tế là “trụ cột cốt lõi” trong quan hệ Hàn-Mỹ. Seoul và Washington nhất trí tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại song phương trên nền tảng quan hệ vững chắc này. Tuyên bố chung nhận định Đối thoại lần này là cơ hội để hai nước đánh giá triển vọng liên kết chính sách “phương Nam mới” của Hàn Quốc và chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” của Mỹ, cũng như tìm kiếm những lĩnh vực hợp tác mới. Cụ thể, hai nước đề xuất phương án liên kết hai chiến lược này ở 4 lĩnh vực: hợp tác phát triển, hạ tầng, khoa học và công nghệ, năng lượng và thành phố thông minh.

 

Bối cảnh

Tham dự SED lần này, Mỹ đã cử một phái đoàn với quy mô kỷ lục, trong đó có hai Phó Trợ lý Ngoại trưởng. Đặc biệt, việc hai nước đưa ra Tuyên bố chung về tăng cường hợp tác kinh tế khiến dư luận hết sức chú ý. Trong Tuyên bố, Seoul và Washington nhấn mạnh triển vọng liên kết chính sách “phương Nam mới” và chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương”. Trước đó, trong cuộc họp cấp Thứ trưởng tại Bangkok, Thái Lan, vào 2/11, quan chức hai nước cũng từng giới thiệu qua văn kiện về sự liên kết giữa hai chiến lược này.

 

Trong tuyên bố lần này còn có nội dung tăng cường quản lý tài nguyên nước sông Mê Kông. Dự án này đã bắt đầu từ năm ngoái với sự tham gia của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Tổng công ty tài nguyên nước Hàn Quốc (K-Water), Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nhằm giúp giảm nhẹ lũ lụt và hạn hán tại khu vực Mê Kông.

 

Dư luận cho rằng việc hai nước ra Tuyên bố chung có liên quan tới sự kiện 15 quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này do Trung Quốc khởi xướng, có sự tham gia của 10 nước ASEAN và 5 nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand. Trước đó, Mỹ đã xúc tiến Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự tham gia của các nước đồng minh thân cận. Nhưng hiệp định đã bị chững lại kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Giới phân tích cho rằng Mỹ đang đẩy nhanh các bước đi tương ứng, do lo ngại các bên đạt thỏa thuận về hiệp định RCEP sẽ giúp củng cố vai trò của Trung Quốc trong trật tự kinh tế khu vực.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Chính phủ Hàn Quốc đánh giá tích cực việc Mỹ cử phái đoàn cấp cao với quy mô kỷ lục tham dự SED tại Seoul, và việc hai bên ra Tuyên bố chung. Điều này cho thấy Washington rất coi trọng quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Một số ý kiến cho rằng Hàn Quốc ngày càng liên quan nhiều hơn đến chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương” của Mỹ. Về điều này, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh Seoul chỉ đang tìm kiếm điểm chung giữa chiến lược của Mỹ với chính sách “phương Nam mới”, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của chính sách.

 

Mặt khác, tại đối thoại lần này, hai nước nhất trí tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ, như tổ chức đối thoại cấp chuyên viên giữa Vụ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc và Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ. Theo kế hoạch, Đối thoại kinh tế cấp cao Hàn-Mỹ lần thứ 5 sẽ diễn ra năm sau tại Washington.

Lựa chọn của ban biên tập