Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đạt được thỏa thuận Hiệp định RCEP

2019-11-09

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngày 4/11, 15 nước châu Á-Thái Bình Dương, gồm 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và 5 nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Nhật Bản và New Zealand, đã đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do (FTA) quy mô lớn nhất thế giới. Dù Ấn Độ chưa đưa ra lập trường tham gia chính thức, nhưng nếu tính cả nước này, RCEP sẽ chiếm một nửa dân số thế giới, một phần ba Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Hiệp định được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn, thúc đẩy thương mại, đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

 

Đạt được thỏa thuận RCEP

Tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP tại Bangkok, Thái Lan, lãnh đạo 15 nước, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đã thông qua nội dung văn bản hiệp định. Lãnh đạo các nước đã ra tuyên bố chung, nhất trí hoàn tất đàm phán mở cửa thị trường, tiến tới chính thức ký kết hiệp định năm 2020. Tuyên bố chung cũng tái khẳng định mục tiêu thiết lập một hệ thống thương mại toàn diện, mở cửa, dựa trên nền tảng các quy định của hiệp định, hướng đến phát triển kinh tế công bằng và đẩy mạnh hội nhập kinh tế.

 

Hiệp định RCEP do Trung Quốc khởi xướng, được các nước tuyên bố khởi động đàm phán nhân Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng 11 năm 2012. Cho tới nay, các bên đã tổ chức tổng cộng 28 vòng đàm phán chính thức, 16 hội nghị cấp Bộ trưởng, và ba hội nghị thượng đỉnh, cuối cùng đã đạt được thỏa thuận tại Bangkok.

 

Mục đích ban đầu của hiệp định này là đối phó với Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), được xúc tiến từ thời Chính phủ cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong giai đoạn đầu, quá trình đàm phán hiệp định TPP đã đạt được tiến triển nhanh chóng. Nhưng kể từ khi Chính phủ Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, nước Mỹ đã quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Việc này đã tạo cơ hội cho quá trình đàm phán hiệp định RCEP sớm đạt thỏa thuận. Ấn Độ cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề nổi cộm với các nước tham gia hiệp định, rồi đưa ra quyết định sau.

 

Ý nghĩa

Hiệp định RCEP có ý nghĩa to lớn bởi các nước đã nhất trí thiết lập một cơ chế hợp tác kinh tế quy mô lớn nhất thế giới, dưới “ngọn cờ” thương mại tự do, công bằng, bất chấp các yếu tố mâu thuẫn khác nhau trên nhiều khía cạnh, như chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh. Đặc biệt, hiệp định càng có vị thế quan trọng trong bối cảnh Mỹ ngày càng tăng cường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, hay Nhật Bản áp đặt trả đũa thương mại đối với Hàn Quốc, khiến trật tự thương mại quốc tế bị tổn hại nghiêm trọng. Cơ chế RCEP dự kiến sẽ giúp ích lớn trong việc mở rộng thương mại thế giới, hiện đang bị co hẹp do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.


RCEP và nền kinh tế Hàn Quốc

Kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Do đó, dự kiến Seoul sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ hiệp định RCEP. Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã ra thông cáo báo chí, kỳ vọng hiệp định sẽ giúp thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa Hàn Quốc với các quốc gia lớn trong khu vực, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tạo nhiều cơ hội mới cho người dân và doanh nghiệp. Điều được kỳ vọng nhất là hiệp định RCEP sẽ giúp phát huy tối đa hiệu quả của các hiệp định FTA hiện hành, đẩy nhanh chính sách “phương Nam mới” của Chính phủ. Hiện tại, Hàn Quốc đang ký kết FTA với tất cả các nước tham gia hiệp định RCEP, ngoại trừ Nhật Bản. Do vậy, trong thời gian tới, mở cửa thị trường sẽ được giải quyết bằng hiệp định FTA, còn các quy định về xuất xứ hàng hóa, thông quan, có thể giải quyết qua hiệp định RCEP. Ngoài ra, Hàn Quốc kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa chế tạo, đầu tư hạ tầng sang các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngành nông thủy sản được dự báo sẽ gặp thiệt hại.

 

Phần lớn các quốc gia tham gia RCEP đều nằm trong “danh sách đối tác” của chính sách “phương Nam mới” mà Tổng thống Moon Jae-in đang theo đuổi. Do vậy, hiệp định được kỳ vọng sẽ giúp mở rộng thương mại, thúc đẩy đầu tư, giao lưu nhân lực giữa Hàn Quốc với các quốc gia này.

Lựa chọn của ban biên tập