Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc không bao giờ đồng ý không sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục”

2019-11-12

Tin tức

Hàn Quốc không bao giờ đồng ý không sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục”

Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản phản đối sử dụng cụm từ "nô lệ tình dục"

Phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II thường được gọi là "nô lệ tình dục", và cách gọi này rất phổ biến trên toàn thế giới. Như vậy, rõ ràng vấn đề này nằm ngoài phạm vi tranh cãi. Do đó, việc Chính phủ Nhật Bản khẳng định không thể gọi phụ nữ bị ép mua vui cho binh lính Nhật trong Thế chiến II là "nô lệ tình dục" trong "Sách xanh Ngoại giao 2019" là lập luận phi lý. Thêm vào đó, Tokyo còn nhấn mạnh rằng Chính phủ Seoul cũng đã xác nhận không sử dụng cụm từ này trong thỏa thuận Hàn-Nhật tháng 12 năm 2015. Tuy nhiên, lập trường của Hàn Quốc là chỉ đồng ý tên gọi chính thức của vấn đề này là "vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật", không có nghĩa là Hàn Quốc đã xác nhận không sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục”. Hiện vẫn chưa rõ lý do Tokyo đột xuất đưa nội dung giải thích về cụm từ này vào Sách xanh Ngoại giao. Cũng không có căn cứ nào cho thấy Hàn Quốc đã xác nhận không sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục” trong thỏa thuận Hàn-Nhật năm 2015. Bộ Ngoại giao Nhật Bản hiện chưa có phản hồi gì đối với câu trả lời của báo chí Hàn Quốc về vấn đề này.


“Nô lệ tình dục” là cụm từ thông dụng khi nói về vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật

Cụm từ “nô lệ tình dục” đang được sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng quốc tế hiện nay. Quân đội Nhật Bản đã ép buộc phụ nữ mua vui trái với ý muốn của họ. Vì thế, có thể coi những phụ nữ này là “nô lệ tình dục”. Trong khi đó, Tokyo hết sức cố gắng tránh sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục”, để nhấn mạnh quân đội Nhật Bản không hề cưỡng ép họ mua vui. Trên thực tế, người đầu tiên sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục” khi nói tới vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật là một luật sư người Nhật chứ không phải người Hàn. Trong phiên họp của Liên hợp quốc năm 1992, luật sư Etsuro Dosuka lần đầu tiên gọi những phụ nữ này là nô lệ tình dục. 


Báo cáo của Liên hợp quốc về vấn đề nô lệ tình dục

Sau đó, cụm từ này tiếp tục được sử dụng tại các tổ chức quốc tế. Năm 1996, bà Radhika Coomaraswamy, Báo cáo viên đặc biệt của Ủy ban nhân quyền thuộc Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hợp quốc đã đưa ra một báo cáo về các vấn đề bạo hành phụ nữ trên thế giới. Sau khi nhậm chức năm 1994, báo cáo viên Coomaraswamy bắt đầu tiến hành điều tra nguyên nhân và hậu quả bạo hành đối với phụ nữ, gồm cả hành vi giết người, cưỡng hiếp tập thể, chế độ nô lệ tình dục, và tất cả các hành vi ngược đãi tình dục. Bà Coomaraswamy đã dành hẳn một mục riêng phân tích vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật trong thế chiến II. Theo đó, quân đội Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo, bắt ép phụ nữ các nước thuộc địa để cung cấp nô lệ tình dục cho các quân nhân. Báo cáo viên đã tiến hành điều tra tại Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên và Nhật Bản, đồng thời phân tích sâu sắc về vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho binh lính Nhật. Báo cáo này cũng nêu rõ những ý nghĩa của cụm từ được sử dụng trong báo cáo, bối cảnh lịch sử, lời khai của những nạn nhân, và trách nhiệm của Chính phủ các nước. Đặc biệt, trong báo cáo này, Liên hợp quốc đã kết luận “phụ nữ bị ép mua vui cho lính Nhật trong Thế chiến II” là “nô lệ tình dục”, và khuyến khích Chính phủ Nhật Bản thừa nhận sự thật, cũng như chịu trách nhiệm về vấn đề này. Như vậy, việc sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục” khi gọi những người phụ nữ bị bóc lột và ép buộc mua vui không phải là lập trường riêng của Hàn Quốc, mà được cả cộng đồng quốc tế chấp thuận. Tức là cho dù Chính phủ Nhật Bản không sử dụng cụm từ này, nhưng sự thật trong lịch sử vẫn không hề thay đổi.

Lựa chọn của ban biên tập