Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Quốc hội Mỹ lập dự luật cấp quốc tịch cho con nuôi gốc Hàn

2019-11-14

Tin tức

Quốc hội Mỹ lập dự luật cấp quốc tịch cho con nuôi gốc Hàn

Tại Mỹ, ước tính khoảng 20.000 người là con nuôi gốc Hàn không được cấp quốc tịch. Hai nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là do bố mẹ nuôi không chú ý tiến hành các quy trình cần thiết và lỗ hổng pháp lý. 


Thực trạng con nuôi gốc Hàn không được cấp quốc tịch Mỹ

Trước tiên, nhiều trường hợp bố mẹ mặc dù đã nhận con nuôi, nhưng lại không tiến hành quy trình xin cấp quyền công dân cho con. Trong khi người con vẫn chưa được cấp quốc tịch Mỹ, nhiều trường hợp bố mẹ ly hôn, hoặc chấm dứt quan hệ với con nuôi. Lỗ hổng pháp lý ở đây nằm trong “Luật quyền công dân trẻ em” của Mỹ, có hiệu lực thực thi từ năm 2000. Luật này quy định chỉ cấp quyền công dân cho những người dưới 18 tuổi được nhận làm con nuôi.

Từ năm 1955 tới năm 2016, số người gốc Hàn được nhận làm con nuôi tại Mỹ đạt khoảng 110.000 người. Trong số đó, số người không được cấp quốc tịch Mỹ ước tính khoảng 20.000 người. Nếu tính cả những người được nhận nuôi trước đó, hoặc vẫn chưa được Chính phủ Mỹ cấp quyền công dân, thì con số này có thể lên tối đa 50.000 người. Do không có quyền công dân, những người này gặp nhiều khó khăn khi xin việc làm, dù mắc tội nhỏ cũng có thể bị trục xuất khỏi Mỹ. Vấn đề con nuôi gốc Hàn tại Mỹ đã thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận Hàn Quốc sau trường hợp của anh Adam Crapser (tên tiếng Hàn là Shin Seong-hyeok). Anh sang Mỹ làm con nuôi từ năm 1979, khi mới ba tuổi. Sau đó, anh bị cha mẹ nuôi ngược đãi, rồi bị cắt đứt quan hệ, và trải qua tuổi thơ bất hạnh. Do cha mẹ nuôi không đăng ký lên cơ quan chức năng cấp quyền công dân cho anh, Shin sống tại Mỹ mà không hề có quốc tịch. Cuối cùng, sau khi mắc một tội nhẹ, anh đã bị trục xuất về Hàn Quốc ở tuổi 40, 37 năm sau khi được nhận làm con nuôi. Câu chuyện của anh đã được kể lại trong một chương trình tài liệu phát sóng trên truyền hình năm 2017, khiến khán giả hết sức xúc động. Không chỉ có anh Shin Seong-hyeok, còn rất nhiều trường hợp người Hàn được nhận làm con nuôi bị trục xuất trở về nước. Năm 2017, một người khác tên là Phillip Clay sau khi bị trục xuất về nước đã tự sát. Gần đây, Shin Seong-hyeok đã đệ đơn kiện Chính phủ Hàn Quốc và cơ quan quản lý về việc nhận con nuôi nước ngoài, truy cứu trách nhiệm về trường hợp của bản thân và những người có hoàn cảnh tương tự. 


Quốc hội Mỹ xúc tiến lập dự luật

Quốc hội Mỹ gần đây đang xúc tiến lập dự luật liên quan nhằm giải quyết vấn đề này. Dự luật có nội dung cấp quyền công dân cho những người được nhận làm con nuôi ngoài phạm vi áp dụng “Luật quyền công dân trẻ em” năm 2000. Năm 2016, một dự luật tương tự đã được khởi xướng, nhưng sau đó bị đổ bể do không nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, đến năm nay, nghị sĩ Gary Palmer, Chủ tịch Ủy ban chính sách đảng cầm quyền Cộng hòa cũng tham gia đề xuất, nên khả năng dự luật được thông qua là rất lớn.

Tháng 10 năm nay, chính quyền bang California đã thông qua dự luật quy định nghĩa vụ khai báo con nuôi người nước ngoài do nghị sĩ gốc Hàn Choi Suk-ho đề xuất. Dự luật quy định cha mẹ nuôi phải hoàn tất quy trình xác nhận quan hệ cha mẹ-con cái, điều kiện để người con được cấp quyền công dân Mỹ, trong vòng 60 ngày sau khi con nhập cảnh, hoặc trước sinh nhật 16 tuổi của con. Nếu cha mẹ nuôi không thực hiện nghĩa vụ này, cơ quan phụ trách vấn đề nhận con nuôi người nước ngoài sẽ phải hoàn tất quy trình trong vòng 90 ngày sau khi đứa trẻ nhập cảnh vào Mỹ. Dự luật này dự kiến sẽ tác động tích cực tới quá trình thông qua dự luật liên quan đang được xúc tiến tại Quốc hội Mỹ.

Các tổ chức dân sự của Mỹ cũng đang tích cực hỗ trợ quá trình thông qua dự luật tại Quốc hội. Ngày 13/11 (giờ địa phương), một số tổ chức dân sự, trong đó có Liên minh cử tri người Mỹ gốc Hàn (KAGC), đã ra mắt “Liên minh toàn quốc vì bình đẳng cho người được nhận làm con nuôi”, bắt đầu các cuộc vận động thông qua dự luật.

Lựa chọn của ban biên tập