Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Mở phiên tòa đầu tiên vụ kiện của nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến

2019-11-16

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tòa án khu vực Trung Seoul ngày 13/11 đã mở phiên tòa đầu tiên xét xử vụ kiện của các nạn nhân bị cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II. Tháng 12 năm 2016, 20 người gồm các nạn nhân và gia quyến đã khởi kiện Chính phủ Nhật Bản, yêu cầu bồi thường thiệt hại cho những nỗi đau mà họ phải trải qua. Tuy nhiên, do bên đương sự là Chính phủ Nhật Bản liên tiếp từ chối nhận văn bản tố tụng, Tòa án đã không thể mở phiên tòa xét xử suốt ba năm qua.


Phiên tòa xét xử

Các nạn nhân cùng gia quyến yêu cầu Chính phủ Nhật Bản bồi thường mỗi người 200 triệu won (171.000 USD). Trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản nhiều lần từ chối nhận văn bản tố tụng do Cơ quan hành chính tòa án Hàn Quốc gửi, căn cứ “Công ước Hague" mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều tham gia. Công ước này quy định một quốc gia có thể từ chối nhận văn bản tố tụng nếu nhận thấy vụ kiện có thể xâm hại tới an ninh và chủ quyền nước đó. Tòa án khu vực Trung Seoul ngày 8/3 năm nay đã tiến hành niêm yết công khai bản dịch văn bản tố tụng và tài liệu hướng dẫn tố tụng đối với bị đơn là Chính phủ Nhật Bản. Theo Luật tố tụng dân sự Hàn Quốc, Tòa án có trách nhiệm thông báo văn bản tố tụng cho đương sự của vụ án. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể thông báo trực tiếp, hay không xác định được địa chỉ của đương sự, thì Tòa án có thể niêm yết công khai văn bản tố tụng trong một khoảng thời gian nhất định trên trang chủ của Tòa án, hoặc trên báo, mà vẫn đảm bảo hiệu lực tương tự. Ngày 9/5 vừa qua được coi là ngày hiệu lực, nên có thể coi văn bản tố tụng đã được chuyển đến phía Chính phủ Nhật Bản, tức là Tòa án có thể tiến hành mở phiên tòa xét xử. Do bị đơn là Chính phủ Nhật Bản không trình diện tại phiên tòa, nên Tòa án sẽ xem xét về mặt pháp lý lập trường của các nạn nhân, rồi đưa ra kết luận.


Tranh cãi

Giới pháp luật nhận định nhiều khả năng Hội đồng xét xử sẽ phải “đau đầu” về tranh cãi liên quan tới nguyên tắc “miễn trừ chủ quyền”. Nguyên tắc này quy định một quốc gia không được áp dụng luật trong nước để truy cứu trách nhiệm dân sự hay hình sự với một quốc gia có chủ quyền khác. Luật sư phía các nạn nhân lập luận rằng hành vi phi pháp của Chính phủ Nhật Bản đã diễn ra trên lãnh thổ Hàn Quốc, và tính chất phạm tội là rất nghiêm trọng, nên không thể áp dụng nguyên tắc “miễn trừ chủ quyền”. Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International) tại Hàn Quốc cũng đã trình lên Tòa án khu vực Trung Seoul bản kiến nghị pháp lý, bày tỏ ủng hộ lập trường của phía nguyên đơn. Trong đó, tổ chức này nhấn mạnh theo luật pháp quốc tế, Tòa án Hàn Quốc không thể bác bỏ quyền yêu cầu bồi thường của các nạn nhân đối với Chính phủ Nhật Bản dựa vào nguyên tắc miễn trừ chủ quyền, Hiệp định về quyền yêu sách Hàn-Nhật (1965), hay các lý do về mặt quy trình như hiệu lực truy tố.


Ý nghĩa và triển vọng

Ngoài vụ kiện nói trên, còn một vụ kiện Chính phủ Nhật Bản khác của các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến đang bị bảo lưu tại Tòa án. Tháng 8 năm 2013, 12 nạn nhân bị cưỡng ép mua vui đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản bồi thường mỗi người 100 triệu won (85.500 USD). Tuy nhiên, phía Tokyo không chấp thuận hòa giải, nên tới tháng 1 năm 2016, các nạn nhân đã chính thức đâm đơn kiện lên Tòa án. Tới nay, Tòa án cũng vẫn chưa thể mở phiên tòa xét xử đối với vụ kiện. Kết quả phiên tòa lần này dự kiến sẽ trở thành tiêu chuẩn pháp lý cho các vụ kiện tương tự trong thời gian tới.

Mặt khác, trong “Sách xanh Ngoại giao 2019”, Nhật Bản đã phản đối sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục” khi nói về vấn đề phụ nữ bị ép mua vui cho quân lính Nhật trong Thế chiến II, thậm chí còn khẳng định Chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý không sử dụng cụm từ này trong thỏa thuận Hàn-Nhật cuối năm 2015. Điều này cho thấy Tokyo đang phủ nhận sự thật nước này từng huy động và cưỡng ép phụ nữ mua vui cho quân lính trong chiến tranh, cũng như bác bỏ sự can thiệp có tổ chức của quân đội. Lập luận này hoàn toàn trái ngược với thừa nhận trong quá khứ của Chính phủ Nhật Bản về vấn đề cưỡng ép phụ nữ mua vui; đồng thời hàm chứa thông điệp Tokyo sẽ tuyệt đối không chấp nhận kết quả phiên tòa xét xử lần này của Tòa án Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập