Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục bất đồng quan điểm tại WTO

2019-11-20

Tin tức

Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục bất đồng quan điểm tại WTO

Mâu thuẫn thương mại Hàn-Nhật vẫn chưa được hòa giải

Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản xoay quanh việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao chủ chốt sang Seoul chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khả năng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thành lập Ban hội thẩm để thảo luận vấn đề này càng tăng lên. Nếu vậy, hai nước sẽ bước vào cuộc đua gay cấn về mặt pháp lý. Nối tiếp vòng tham vấn song phương thứ nhất tại WTO vào tháng trước, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiến hành vòng tham vấn thứ hai ngày 19/11. Tuy nhiên, trong cả hai cuộc họp, hai bên chỉ tái xác nhận khoảng cách quan điểm. 


Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu sang Hàn Quốc

Trước đó, Tokyo đã đưa ra biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp bán dẫn sang Seoul và loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các nước được hưởng ưu đãi về xuất khẩu, vì lý do an ninh. Seoul cho rằng đây là biện pháp trả đũa cho việc Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản là hành động phân biệt đối xử tùy tiện, không phù hợp với cơ chế kiểm soát xuất khẩu. Do đó, Nhật Bản phải từ bỏ biện pháp này. Về phần mình, Tokyo nhấn mạnh nước này vẫn cho phép xuất khẩu các mặt hàng thông thường, không có nguy cơ bị sử dụng vào mục đích quân sự. Tức là đây không phải là biện pháp hạn chế xuất khẩu không chính đáng. Nhật Bản cũng từ chối đề nghị thảo luận của Hàn Quốc.


Hàn Quốc chính thức khởi kiện Nhật Bản lên WTO

Cuối cùng, ngày 11/9, Hàn Quốc chính thức khởi kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới. Tham vấn song phương thứ nhất, bước đầu tiên trong quy trình giải quyết tranh chấp thông qua WTO, đã được tổ chức vào ngày 11/10. Khác với dự đoán ban đầu, Tokyo đã tham gia vòng tham vấn nhưng không đạt được kết quả đáng kể nào vì hai nước không hề nhượng bộ nhau. Vì thế, triển vọng của vòng tham vấn song phương thứ hai ngày 19/11 không hề sáng sủa, trong bối cảnh Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Kajiyama Hiroshi nhấn mạnh Nhật Bản không cần bàn bạc với các nước khác khi đưa ra biện pháp hạn chế xuất khẩu. Dù đại diện hai nước có đánh giá tích cực là sau cuộc gặp, hai bên đã hiểu rõ hơn về lập trường của đối phương, nhưng không thể cho rằng lập trường trước đó của hai nước đã được thay đổi. Như vậy, đúng như dự đoán, vòng tham vấn song phương lần hai không đạt được tiến triển nào.


Tranh chấp thương mại Hàn-Nhật có thể được điều đình tại Ban hội thẩm của WTO

Do vậy, nhiều khả năng tranh chấp thương mại Hàn-Nhật sẽ bước sang giai đoạn thành lập Ban hội thẩm tại WTO, tương đương tòa án sơ thẩm. Vòng tham vấn song phương thứ ba cũng có thể được tổ chức, nhưng khoảng cách quan điểm giữa Seoul và Tokyo vẫn còn rất lớn và khó có thể hòa giải. Ông Chung Hae-kwan, quan chức phụ trách trật tự hợp tác thương mại thuộc Phòng Chiến lược trật tự thương mại mới của Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên, cho biết Seoul sẽ tiếp tục phân tích kết quả vòng tham vấn song phương và xem xét các phương án khác, trong đó có việc thành lập Ban hội thẩm. Nếu hai bên thất bại đàm phán thì Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO sẽ thành lập Ban hội thẩm và tiến hành điều đình tranh chấp. Ban hội thẩm gồm các nước tranh chấp và nước thứ ba phải hoàn tất các hoạt động trong vòng 6 tháng. Nếu việc xét xử vượt quá thời hạn này, hoạt động của Ban hội thẩm có thể kéo dài được 9 tháng. Nước thua kiện phải lập bản kế hoạch thi hành các quyết định và khuyến cáo của Cơ quan giải quyết tranh chấp, và tranh chấp sẽ đến giải quyết xong khi nước thua kiện thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, nước thua kiện có thể kháng cáo. Trong trường hợp này, việc giải quyết tranh chấp có thể kéo dài lâu hơn.

Lựa chọn của ban biên tập