Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Kết quả nghiên cứu Hàn-Trung-Nhật về bụi nhỏ

2019-11-21

Tin tức

Kết quả nghiên cứu Hàn-Trung-Nhật về bụi nhỏ

Ngày 21/11, Chính phủ Hàn Quốc công bố hạn chế hoạt động các nhà máy phát điện bằng than đá trong mùa đông năm nay để giảm nồng độ bụi nhỏ trong không khí. Nồng độ này thường có xu hướng gia tăng mạnh vào mùa đông. Mặc dù nguyên nhân chính phát sinh bụi nhỏ là từ yếu tố bên ngoài, nhưng cũng không thể xem nhẹ các yếu tố trong nước. Do vậy, trước hết Chính phủ cần hạn chế ảnh hưởng từ các yếu tố trong nước, như hoạt động phát điện bằng than đá, khí thải từ ô tô.


Kết quả nghiên cứu 

Viện nghiên cứu môi trường quốc gia (NIER) thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc ngày 20/11 công bố báo cáo sơ lược kết quả nghiên cứu chung giữa ba nước Hàn-Trung-Nhật, lần đầu công nhận mức độ ảnh hưởng của mỗi nước đối với nồng độ bụi nhỏ. Theo báo cáo này, 51% bụi siêu nhỏ phát sinh tại Hàn Quốc là do các yếu tố trong nước, 49% do các yếu tố bên ngoài. Trong đó, 32% là do ảnh hưởng từ Trung Quốc, 2% từ Nhật Bản, còn lại là từ các nước khác như Bắc Triều Tiên, Mông Cổ, các nước Đông Nam Á. Đối tượng phân tích trong báo cáo này là các đô thị lớn của mỗi nước, ở Hàn Quốc là ba thành phố Seoul, Daejeon và Busan.


Số liệu trên tương tự kết quả phân tích chung của Viện nghiên cứu môi trường quốc gia và Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) năm 2016. Khi đó, đối tượng phân tích chỉ có thủ đô Seoul. Kết quả cho thấy 52% nguồn bụi ở Seoul là do các yếu tố trong nước, 48% do các yếu tố bên ngoài. Năm 2015-2016, thành phố Seoul cũng từng công bố kết quả phân tích tự tiến hành, trong đó kết luận 45% nguồn bụi nhỏ tại thành phố là do yếu tố trong nước, 55% do yếu tố bên ngoài.


 Kết quả nghiên cứu chung Hàn-Trung-Nhật cho thấy 91% lượng bụi siêu nhỏ phát sinh tại Trung Quốc là do các yếu tố nội địa, 2% do ảnh hưởng từ Hàn Quốc, 1% từ Nhật Bản. Với trường hợp của Nhật Bản, 55% bụi nhỏ phát sinh trong nước, 25% từ Trung Quốc và 8% từ Hàn Quốc. Kết quả nghiên cứu đã chứng minh Hàn Quốc và Nhật Bản chịu nhiều thiệt hại hơn từ bụi nhỏ phát sinh từ Trung Quốc.


Hạn chế 

Tuy nhiên, những số liệu trên chưa hẳn chính xác tuyệt đối, vì kết quả nghiên cứu của mỗi nước về mức độ ảnh hưởng đến nồng độ bụi nhỏ lại khác nhau. Số liệu trên chỉ là giá trị trung bình được các nhà khoa học của ba nước thống nhất và công bố. Viện nghiên cứu môi trường quốc gia cho biết số liệu phía Hàn Quốc và Nhật Bản đưa ra khá tương đương, trong khi số liệu Trung Quốc công bố lại chênh lệch khá lớn. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã sử dụng mô hình nghiên cứu khác với hai nước Hàn-Nhật. Dư luận không khỏi hoài nghi liệu Bắc Kinh có cố ý sử dụng mô hình nghiên cứu khác để giảm nhẹ trách nhiệm với nồng độ bụi nhỏ ở hai nước láng giềng hay không. Ngoài ra, số liệu trong kết quả nghiên cứu là số liệu bình quân năm, nên vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Để lập đối sách phù hợp, Hàn Quốc cần làm rõ các yếu tố ảnh hưởng theo mùa, thời điểm tập trung nồng độ bụi nhỏ ở mức cao. 


 Viện nghiên cứu môi trường quốc gia cho biết trong thời điểm bụi nhỏ nồng độ cao từ tháng 12 tới tháng 3, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài sẽ tăng từ 10-20%. Nếu tổng hợp những tài liệu cơ quan này công bố trong thời gian qua, thì trong khoảng thời gian này, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài có thể lên tới hơn 80%, trong đó ảnh hưởng từ Trung Quốc là 70%. Như vậy, đối phó với bụi nhỏ chỉ bằng các đối sách trong nước sẽ khó triệt để. Tuy nhiên, Chính phủ không có cách nào khác là áp dụng các biện pháp thiết thực, trong tầm tay trước.

Lựa chọn của ban biên tập