Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hoãn có điều kiện thời hạn hết hiệu lực Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung Hàn-Nhật

2019-11-23

Tin tức

ⓒYONHAP News

Phó Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Kim Yoo-keun ngày 22/11 công bố Chính phủ đã quyết định tạm rút lại thông báo gửi Nhật Bản hồi tháng 8 về việc chấm dứt Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật. Trước mắt, Seoul và Tokyo đã tìm ra hướng giải quyết mâu thuẫn thương mại song phương liên quan tới việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao trong sản xuất chíp bán dẫn sang Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc khỏi “Danh sách trắng” các quốc gia được hưởng ưu đãi về quy trình xuất khẩu.

 

Hoãn có điều kiện việc chấm dứt Hiệp định

Tuy nhiên, ông Kim Yoo-keun nhấn mạnh Seoul vẫn có thể chấm dứt hiệu lực Hiệp định GSOMIA bất cứ lúc nào, và Nhật Bản cũng trả lời đã hiểu rõ lập trường của Hàn Quốc. Cùng với đó, Chính phủ quyết định tạm dừng quy trình khởi kiện Nhật Bản lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, trong thời gian hai nước tiến hành đối thoại về chính sách quản lý xuất khẩu. Quyết định trên của Hàn Quốc được đưa ra 144 ngày sau khi Tokyo công bố siết chặt quy chế xuất khẩu với Seoul, 112 ngày sau khi Nhật Bản loại Hàn Quốc khỏi "Danh sách trắng" các quốc gia được hưởng ưu đãi về xuất khẩu, tròn ba tháng sau khi Chính phủ ra quyết định chấm dứt Hiệp định GSOMIA (22/8). Trong hai ngày 21 và 22/11, Phủ Tổng thống đã liên tiếp mở các cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), thảo luận về Hiệp định, và cuối cùng đã đưa ra quyết định trên. Tổng thống Moon Jae-in đã tham gia cuộc họp kéo dài hơn một tiếng ngày 22/11. Tại đây, Tổng thống đã phê chuẩn kết quả thảo luận của các ủy viên thường trực NSC, sau đó đưa ra kết luận cuối cùng. Tới thời điểm hiện tại, Chính phủ Nhật Bản vẫn tuyên bố duy trì các quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc, nhưng nước này sẽ tiếp tục đối thoại với Seoul về vấn đề quản lý xuất khẩu.

 

Ý nghĩa

Như vậy là 6 tiếng trước thời hạn hết hiệu lực Hiệp định GSOMIA, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tìm ra hướng giải quyết đột phá. Kết quả này có được là nhờ cả Seoul và Tokyo đều đồng tình nỗ lực ngăn chặn kịch bản xấu nhất là kết thúc hiệp định. Trước mắt, Hàn Quốc hoãn chấm dứt Hiệp định, Nhật Bản cũng thể hiện ý định xem xét lại biện pháp siết chặt quy chế xuất khẩu với Seoul, tức là hai nước sẽ dành thêm thời gian để tìm phương án giải quyết phù hợp. Nhờ vậy, quan hệ Hàn-Nhật đã tránh khỏi cục diện xấu hơn, lo ngại về rạn nứt trong quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ, Hàn-Mỹ-Nhật cũng không còn. Bộ Công nghiệp và thương mại Nhật Bản tối 22/11 đã mở họp báo, nhấn mạnh Tokyo sẽ vẫn duy trì chính sách xuất khẩu, không liên quan tới quyết định của Hàn Quốc về Hiệp định GSOMIA. Phủ Tổng thống giải thích trong nội dung công bố của Tokyo, nước này cho biết sẽ tiếp tục đối thoại để giải quyết các vấn đề nổi cộm giữa hai bên, gồm cả vấn đề quy chế xuất khẩu và “Danh sách trắng” của Tokyo.

 

Phản ứng và triển vọng

Phe cầm quyền và các đảng đối lập bảo thủ đều đánh giá tích cực về quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên, phe tiến bộ lại chỉ trích đây là một “nỗi nhục ngoại giao”. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đánh giá Hàn Quốc đã đưa ra một lựa chọn chiến lược, đồng thời nhấn mạnh phối hợp Hàn-Nhật, Hàn-Mỹ-Nhật. Sau những nỗ lực gây sức ép với cả hai nước Hàn-Nhật nhằm ngăn chặn kết thúc Hiệp định, Mỹ cũng hoan nghênh quyết định của Seoul. Washington khẳng định sẽ tiếp tục duy trì hợp tác an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật

 

Tuy nhiên, quyết định trên của Chính phủ không có nghĩa là mâu thuẫn Hàn-Nhật đã được giải quyết, mà mới chỉ thiết lập được khung đối thoại trong thời gian tới. Trong bối cảnh hai nước Hàn-Nhật vẫn còn bất đồng ý kiến sâu sắc, khó có thể kỳ vọng hai bên sẽ đạt tiến triển dễ dàng trong các cuộc đàm phán tương lai. Hiện tại, hai nước đã nhất trí tổ chức một cuộc họp sơ bộ, sau đó thảo luận cấp Vụ trưởng về vấn đề quy chế xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều khả năng hai nước sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Trung-Nhật tại Bắc Kinh tháng 2 năm sau.

Lựa chọn của ban biên tập