Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực đối với Bắc Triều Tiên

2019-12-04

Tin tức

Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực đối với Bắc Triều Tiên

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều vẫn bế tắc

Phát biểu tại London (Anh) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ có thể sử dụng vũ lực chống Bắc Triều Tiên nếu cần thiết. Phát biểu của ông Trump được cho là một biện pháp thiết thực và hiệu quả để gây sức ép lên Bình Nhưỡng. Ông Trump đưa ra nhận định này sau khi Washington điều động máy bay trinh sát tới bán đảo Hàn Quốc để đối phó với những động thái phóng tên lửa khiêu khích của miền Bắc. Một trong những mục đích điều động máy bay trinh sát là thu thập thông tin về mục tiêu tấn công, gây sức ép lên đối phương. Quan hệ Mỹ-Triều đang đứng trên bờ vực nên đây có thể là một hành động xoay chuyển tình huống đầy kịch tính. Đàm phán Mỹ-Triều về vấn đề phi hạt nhân hóa đang tạo áp lực cho cả hai bên. Trước đó, Bình Nhưỡng yêu cầu Washington đưa ra “cách tính toán mới” trong đàm phán phi hạt nhân hóa, và đề ra hạn chót là cuối năm nay. Song, vẫn chưa có tiến triển nào trong đàm phán Mỹ-Triều nên miền Bắc đang chịu áp lực bởi thời hạn do chính mình đặt ra, vì nước này buộc phải có hành động nào đó trong trường hợp quá thời hạn cuối năm. Bắc Triều Tiên chỉ có thể lựa chọn các động thái khiêu khích như phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc thử nghiệm hạt nhân. Đây sẽ là gánh nặng lớn cho miền Bắc vì rủi ro quá cao, dù nước này vốn khéo léo sử dụng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”. Các động thái khiêu khích cũng có thể làm hỏng mục tiêu xây dựng quan hệ Mỹ-Triều mới sau khi được công nhận là nước sở hữu hạt nhân, và mục tiêu ổn định thể chế của miền Bắc.


Mỹ cũng phải đạt tiến triển trong vấn đề hạt nhân ở miền Bắc 

Mỹ cũng đang bị gấp rút về thời gian để giải quyết vấn đề hạt nhân của miền Bắc, do ông Trump đang phải đối mặt với những thách thức trong và ngoài nước để tái đắc cử chức Tổng thống. Trong nội bộ nước Mỹ, đảng đối lập Dân chủ đang thúc đẩy luận tội và phế truất Tổng thống Trump. Tuy nhiên, đảng cầm quyền Cộng hòa chiếm đa số ghế tại Thượng viện Mỹ, nên ít có khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ bị luận tội. Song, kết quả điều tra sẽ là một đòn chí mạng với ông Trump. Trong bối cảnh này, một trong những thành tựu lớn nhất của Tổng thống Donald Trump là thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên lại bị lung lay. Có thể Mỹ sẽ thoải mái hơn Bắc Triều Tiên về áp lực thời gian, nhưng không có nghĩa là Washington sẽ án binh bất động. Kiểu gì Washington cũng phải đạt tiến triển với vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất.


Mỹ tỏ thái độ cứng rắn hơn trước đây đối với Bắc Triều Tiên

Sau khi đề ra thời hạn cuối năm nay, Bắc Triều Tiên tiếp tục có các hành động khiêu khích như phóng tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực siêu lớn. Các chuyên gia phân tích rằng động thái của miền Bắc dường như muốn lấy Hàn Quốc làm con tin để gây áp lực cho Mỹ. Lúc đầu, Washington không đánh giá nghiêm trọng các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng để tránh kích động. Tuy nhiên, trước động thái triền miên của miền Bắc, Mỹ đã điều động máy bay trinh sát đến bán đảo Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ khăng khăng rằng chính ông đã ngăn chặn chiến tranh thông qua Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ông khẳng định nếu chiến tranh bùng nổ thì khoảng 100 triệu người khu vực Đông Bắc Á có thể đã thiệt mạng. Đây là cách nói “thổi phồng” của ông Donald Trump, nhưng cũng có thể là lời cảnh cáo, gián tiếp gây sức ép lên Bắc Triều Tiên. Chính vì vậy, việc ông Trump đề cập đến khả năng sử dụng vũ lực được coi là động thái gây sức ép lớn nhất từ trước đến giờ đối với miền Bắc. 

Lựa chọn của ban biên tập