Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tòa án Hiến pháp bác đơn kiện của nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến về thỏa thuận Hàn-Nhật 2015

2019-12-28

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 27/12 ra phán quyết thỏa thuận Hàn-Nhật năm 2015 về vấn đề phụ nữ mua vui không thuộc đối tượng xét xử của cơ quan này, qua đó quyết định bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân. Chính phủ bày tỏ tôn trọng quyết định của Tòa án Hiến pháp, và khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực để khôi phục danh dự, phẩm giá và chữa lành vết thương lòng cho các nạn nhân.

 

Quyết định của Tòa án Hiến pháp

Tháng 3 năm 2016, 29 nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến và 12 gia quyến đã đâm đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp, đề nghị xem xét thỏa thuận Hàn-Nhật ký kết năm 2015 có vi hiến hay không.

 

Bác bỏ đơn kiện là quyết định không tiến hành xét xử, trong trường hợp Tòa án Hiến pháp xét thấy đơn kiện không thuộc đối tượng xét xử của cơ quan này. Tức là Tòa án Hiến pháp sẽ không đưa ra kết luận thỏa thuận Hàn-Nhật năm 2015 có xâm phạm quyền cơ bản của các nạn nhân hay không.

 

Tòa án không công nhận thỏa thuận Hàn-Nhật năm 2015 mang tính ràng buộc pháp lý, nên không thể coi thỏa thuận này xâm phạm tới quyền lợi pháp lý, quyền cơ bản của người dân. Tòa án kết luận thỏa thuận Hàn-Nhật là một thỏa thuận chính trị, được ký kết trong quá trình hai nước thảo luận ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến. Chính phủ đã quyết định dựa trên phán đoán về chính sách ngoại giao nhằm giải quyết các mâu thuẫn lịch sử giữa hai bên, duy trì quan hệ hợp tác Hàn-Nhật. Do đó, việc đánh giá về thỏa thuận này thuộc phạm trù chính trị. Không thể khẳng định qua thỏa thuận này, Chính phủ đã tước bỏ quyền lợi pháp lý của các nạn nhân, cũng như quyền được bảo hộ về mặt ngoại giao. Như vậy, thỏa thuận Hàn-Nhật 2015 không ảnh hưởng tới quyền yêu cầu bồi thường của các nạn nhân.

 

Thỏa thuận Hàn-Nhật về vấn đề phụ nữ mua vui

Thỏa thuận Hàn-Nhật về vấn đề phụ nữ mua vui được ký kết ngày 28/12/2015, dưới thời Chính phủ cựu Tổng thống Park Geun-hye. Nội dung chính của thỏa thuận là công nhận trách nhiệm của Chính phủ Nhật Bản về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến, yêu cầu Tokyo đóng góp 1 tỷ yen (8,29 triệu USD) vào quỹ hỗ trợ nạn nhân do Chính phủ Seoul thành lập. Hai nước nhất trí vấn đề phụ nữ mua vui đã được giải quyết “lần cuối cùng và không thể đảo ngược” thông qua thỏa thuận này. Tháng 3 năm 2016, Nhóm luật sư vì một xã hội dân chủ đại diện cho các nạn nhân và gia quyến khởi kiện lên Tòa án Hiến pháp, cho rằng thỏa thuận Hàn-Nhật năm 2015 đã xâm phạm tới phẩm giá, giá trị, quyền được bảo vệ về mặt ngoại giao, và quyền sở hữu tài sản của con người. Nhóm luật sư lập luận rằng Chính phủ Hàn-Nhật đã loại hoàn toàn các nạn nhân khỏi quá trình thảo luận. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thừa nhận có vấn đề về quy trình và nội dung trong thỏa thuận trên, nhưng vẫn khẳng định thoả thuận Hàn-Nhật không thuộc đối tượng khởi kiện lên Tòa án Hiến pháp.

 

Kể từ khi ra mắt, Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in đã thành lập nhóm chuyên trách xem xét lại thỏa thuận Hàn-Nhật về vấn đề phụ nữ mua vui, và đi tới kết luận đây là “một thỏa thuận sai lầm”. Sau đó, Chính phủ quyết định giải thể Quỹ Hòa giải, chữa lành vết thương cho nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến, thành lập từ nguồn đóng góp của Tokyo nhằm hỗ trợ các nạn nhân.

 

Ý nghĩa và phản ứng

Các nạn nhân rất lấy làm tiếc về quyết định của Tòa án Hiến pháp, cho rằng cơ quan này đã không tận dụng cơ hội xoa dịu nỗi đau cho họ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng quyết định của Tòa án Hiến pháp đã không tạo thêm rào cản mới trong quá trình hai nước Hàn-Nhật nỗ lực cải thiện quan hệ, ví dụ điển hình là Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật ngày 24/12 vừa qua. Một số khác nhận định do Tòa án Hiến pháp không công nhận hiệu lực pháp lý của thỏa thuận Hàn-Nhật, nên đây có thể là cơ sở để Chính phủ phá vỡ thỏa thuận này, hoặc tiến hành đàm phán lại với Tokyo.

Lựa chọn của ban biên tập