Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bắc Triều Tiên bất ngờ bổ nhiệm Ngoại trưởng mới

2020-01-20

Tin tức

Bắc Triều Tiên bất ngờ bổ nhiệm Ngoại trưởng mới

Cựu Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng 

Bắc Triều Tiên vừa bổ nhiệm cựu Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc Ri Son-kwon làm Ngoại trưởng. Các chuyên gia về vấn đề miền Bắc cho rằng có hai lý do để gọi việc ông Ri đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao là một quyết định bất ngờ, mang tính phá cách. Thứ nhất, tiểu sử của tân Ngoại trưởng Ri không hề liên quan đến lĩnh vực ngoại giao. Khác với người tiền nhiệm Ri Yong-ho là nhà ngoại giao hiểu biết sâu rộng về Mỹ, tân Ngoại trưởng Ri Son-kwon xuất thân là quân nhân. Lý do thứ hai là trong khi cựu Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong-ho là Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Ủy viên Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên, thì ông Ri Son-kwon chỉ là Ủy viên trung ương đảng. Thậm chí, quan chức cấp dưới của ông Ri là Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui còn là Ủy viên trung ương đảng kiêm Ủy viên Ủy ban Quốc vụ của nước này. 


Nguyên nhân Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên bị thay thế

Chính vì những lý do trên, các chuyên gia nhận định đây có thể là thông điệp mạnh mẽ của Bắc Triều Tiên gửi tới Mỹ. Trước đó, ông Ri Son-kwon đảm nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc, một cơ quan tuyên truyền đối với miền Nam của miền Bắc, và đã có những tuyên bố cứng rắn với Hàn Quốc. Bên lề Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2018, trong bữa tiệc chiêu đãi đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống tới Bắc Triều Tiên, ông Ri đã có một phát ngôn “thô lỗ” để hối thúc các doanh nghiệp miền Nam đầu tư vào miền Bắc, rằng “Bây giờ còn thư thả ăn mỳ lạnh à?”. Có vẻ Bình Nhưỡng đang muốn thị uy chính sách cứng rắn đối với Washington khi bổ nhiệm một nhân vật không hề có xuất thân ngoại giao làm Ngoại trưởng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc bổ nhiệm tân Ngoại trưởng là không quá bất thường vì ông Ri Son-kwon được coi là quan chức Bắc Triều Tiên có vai trò then chốt trong quan hệ với Hàn Quốc. Ở miền Bắc, xét trên diện rộng, các hoạt động tuyên truyền cũng thuộc lĩnh vực ngoại giao. Trước kia, ở Bắc Triều Tiên cũng có một số trường hợp quan chức đảm nhiệm chức vụ tuyên truyền đối với Hàn Quốc trở thành Ngoại trưởng, và quan chức xuất thân từ Bộ Ngoại giao được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban hòa bình thống nhất tổ quốc. Cùng với việc bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao mới, Bình Nhưỡng đã thay thế Phó Chủ tịch đảng Lao động kiêm Vụ trưởng Vụ Quốc tế thuộc đảng Lao động Ri Su-yong bằng cựu Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Nga là Kim Hyong-jun. Như vậy, tầm quan trọng về mặt chính trị của ngành ngoại giao Bắc Triều Tiên đã giảm mạnh. Cựu Ngoại trưởng và cựu Phó Chủ tịch đảng Lao động kiêm Vụ trưởng Vụ Quốc tế thuộc đảng Lao động đều là Ủy viên Bộ Chính trị. Song, tân Ngoại trưởng Ri Son-kwon vẫn chưa thể trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, cũng như ông Kim Hyong-jun chỉ là Ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị.


Những người thân cận với ông Kim Yong-chol lại nắm quyền? 

Một điều đáng chú ý nữa là tân Ngoại trưởng Ri Son-kwon là người thân cận với Phó Chủ tịch đảng lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chol. Trước đó, ông Kim đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Mặt trận Thống nhất và đưa ra các chính sách đối với miền Nam. Ông được cho là người “khai thông” đối thoại liên Triều và Triều-Mỹ năm 2018. Tuy nhiên, sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội năm 2019 bị thất bại, Bộ trưởng Mặt trận Thống nhất Kim Yong-chol đã bị sa thải và các quan chức liên quan cũng bị kỷ luật. Được biết, trong khoảng 8 tháng không có hoạt động chính thức, ông Ri Son-kwon đã bị cải tạo tinh thần cách mạng. Sau khi những người thân cận với ông Kim Yong-chol thất thế, cựu Ngoại trưởng Ri Yong-ho và Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui luôn đứng đầu trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Song, ông Ri Yong-ho cũng không đạt được kết quả nào cho đến khi hết “thời hạn cuối năm 2019” miền Bắc đặt ra cho đàm phán Mỹ-Triều. Do đó, những người thân cận với ông Kim Yong-chol một lần nữa lên nắm quyền trong ngành ngoại giao Bắc Triều Tiên. Những động thái trên của miền Bắc chỉ tiết lộ sự sốt ruột, bồn chồn vì không gặt hái được thành quả ngoại giao nào trong thời gian gần đây. Tân Ngoại trưởng Ri Son-kwon không chỉ không có kinh nghiệm về ngoại giao, mà cũng không phải nhân vật chủ chốt trong đảng Lao động Bắc Triều Tiên. Do đó, mọi ánh mắt đang hướng đến Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui. Nếu bà Choe bị cách chức, thì có thể hiểu rằng quyền kiểm sát hoạt động ngoại giao sẽ được chuyển đến phe ông Kim Yong-chol. Trong trường hợp Thứ trưởng Choe tiếp tục giữ vị trí thì nhiều khả năng tân Ngoại trưởng Ri Son-kwon sẽ chỉ là “bù nhìn” để miền Bắc gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ, còn trên thực tế Thứ trưởng Choe Son-hui vẫn phụ trách các chính sách ngoại giao.

Lựa chọn của ban biên tập