Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Kế hoạch chạy đua giành quyền đồng đăng cai Olympic 2032 liên Triều

2020-01-23

Tin tức

Kế hoạch chạy đua giành quyền đồng đăng cai Olympic 2032 liên Triều

Trong cuộc họp Nội các ngày 22/1, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua "Kế hoạch chạy đua giành quyền đồng đăng cai và xúc tiến tổ chức Olympic mùa hè Seoul-Bình Nhưỡng 2032". Đây là quy trình cần thiết, đề ra phương hướng để các ban ngành hữu quan Chính phủ triển khai sớm các bước chuẩn bị. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ thực hiện các quy trình tiếp theo.


Bối cảnh

Chạy đua giành quyền đồng đăng cai Olympic mùa hè Seoul-Bình Nhưỡng 2032 là nội dung đã được lãnh đạo hai miền Nam-Bắc nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều Bình Nhưỡng ngày 19/9/2018. Tuy nhiên, quan hệ liên Triều hiện tại lại đang trong tình trạng đóng băng. Thêm vào đó, đối thoại phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên vẫn chưa thoát khỏi cục diện bế tắc kéo dài. Miền Bắc đang tuyên bố đi theo một con đường mới, tiếp tục phóng tên lửa, thậm chí còn có dấu hiệu nối lại thử nghiệm hạt nhân. Mỹ cảnh cáo và đáp trả các động thái khiêu khích của miền Bắc bằng cách triển khai máy bay trinh sát, các loại vũ khí chiến lược tới bán đảo Hàn Quốc. Thay vì nỗ lực đối thoại và thiết lập hòa bình, căng thẳng lại đang dâng cao trên bán đảo Hàn Quốc.


Việc Chính phủ Hàn Quốc tích cực xúc tiến chạy đua giành quyền đồng đăng cai Olympic liên Triều là nhằm tạo đột phá khỏi tình hình trên. Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới, Tổng thống Moon Jae-in cũng đã thể hiện quyết tâm cải thiện quan hệ liên Triều, từ đó tạo tiến triển tích cực cho đối thoại Mỹ-Triều. Từ trước tới nay, tình hình quan hệ liên Triều luôn bị chi phối bởi diễn biến quan hệ Mỹ-Triều, lúc được cải thiện, lúc lại xấu đi. Tổng thống Moon Jae-in muốn đảo ngược vòng tuần hoàn này, đưa quan hệ liên Triều đi trước để thúc đẩy đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng. Việc Tổng thống tích cực đề xuất hợp tác, giao lưu liên Triều, xúc tiến tour du lịch khách lẻ tới Bắc Triều Tiên cũng là một phần trong chiến lược này.


Các bước chuẩn bị tiếp theo của Chính phủ

Do đã được thông qua trong cuộc họp Nội các, "Kế hoạch chạy đua giành quyền đồng đăng cai và xúc tiến tổ chức Olympic mùa hè Seoul-Bình Nhưỡng 2032" sẽ tiếp tục được Bộ Kế hoạch và tài chính thẩm định dựa theo “Luật hỗ trợ đại hội thể thao quốc tế”. Sau khi hoàn tất quy trình này, thành phố Seoul sẽ có đủ nền tảng pháp lý để chạy đua trở thành thành phố đăng cai Olympic phía miền Nam. Thành phố đồng đăng cai phía Bắc Triều Tiên là Bình Nhưỡng.


Hiện tại, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn chưa công bố chính thức về kế hoạch và thời gian lựa chọn nước chủ nhà Olympic mùa hè 2032. Trong phiên họp toàn thể năm ngoái, IOC đã thay đổi hoàn toàn phương thức quyết định địa điểm tổ chức Olympic. Trước đây, những thành phố, khu vực đăng ký giành quyền đăng cai Thế vận hội sẽ cạnh tranh quyết liệt với nhau, sau đó được quyết định bằng hình thức bỏ phiếu giữa các ủy viên IOC. Tuy nhiên, phương thức mới sẽ là Ủy ban Olympic quốc tế trực tiếp khảo sát và lựa chọn các thành phố hay khu vực đăng cai Olympic. Trước tiên, Ủy ban đăng cai Olympic tương lai của IOC sẽ tiến hành lựa chọn các khu vực, thành phố đủ điều kiện để tổ chức Thế vận hội mùa đông và mùa hè. Sau đó, các ủy viên IOC sẽ tiến hành bỏ phiếu trong phiên họp toàn thể để quyết định tán thành hay phản đối. Tỉnh Gangwon của Hàn Quốc đã được chọn là địa điểm đăng cai Thế vận hội trẻ mùa đông 2024. Đây là trường hợp đầu tiên được IOC tuyển chọn theo phương thức mới này. Tất nhiên, cạnh tranh giữa các thành phố trên toàn thế giới không vì thế mà biến mất. IOC sẽ không tiến hành bỏ phiếu nếu nơi được chọn không mong muốn tổ chức Thế vận hội. 


Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thành lập một nhóm xúc tiến chung giữa các ban ngành hữu quan vào năm nay hoặc năm sau, trước khi IOC bắt đầu quy trình lựa chọn chính thức địa điểm tổ chức Thế vận hội 2032. Khi IOC bắt đầu quy trình lựa chọn, Chính phủ sẽ thiết lập hệ thống hỗ trợ giữa các ban ngành hữu quan, như “Ủy ban hỗ trợ liên ngành giành quyền đăng cai Thế vận hội”, hay “Ủy ban hỗ trợ đồng chạy đua giành quyền đăng cai Thế vận hội liên Triều”. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên vẫn đang im ắng, chưa hưởng ứng sáng kiến của miền Nam. Do đó, dự báo chặng đường triển khai kế hoạch đồng đăng cai Olympic 2032 liên Triều sẽ còn rất nhiều chông gai.

Lựa chọn của ban biên tập