Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Phân tích quyết định lần đầu dự Hội nghị an ninh Munich của Bắc Triều Tiên

2020-01-24

Tin tức

Phân tích quyết định lần đầu dự Hội nghị an ninh Munich của Bắc Triều Tiên

Tháng 2 tới, Bắc Triều Tiên sẽ lần đầu tham dự Hội nghị an ninh Munich (Đức), sự kiện được tổ chức từ năm 1963. Động thái này khiến dư luận hết sức quan tâm trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều bế tắc, Washington và Bình Nhưỡng đang “đấu trí” đầy căng thẳng xoay quanh các động thái khiêu khích của miền Bắc. Việc Bình Nhưỡng tham dự sự kiện này mang ý nghĩa lớn, thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Nhưng nước này chỉ cử Thứ trưởng Ngoại giao Kim Son-gyong tham dự đã làm vơi bớt phần nào ý nghĩa của bước đi lần này.


Bối cảnh

Năm ngoái, Bắc Triều Tiên đơn phương đề ra thời hạn đàm phán Mỹ-Triều là đến cuối năm. Sau khi thời hạn này kết thúc mà không đạt được thành quả gì, miền Bắc tuyên bố sẽ tìm kiếm một “con đường mới”. Xét trên lập trường của miền Bắc, việc Mỹ coi thường thời hạn này là điều tuyệt đối không thể bỏ qua, làm tổn hại nghiêm trọng tới “sự tôn nghiêm tối cao của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Bắc Triều Tiên”, ở đây chính là sự tôn nghiêm của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un, nhà lãnh đạo tối cao của miền Bắc. Do vậy, để quay lại đối thoại với Washington, Bắc Triều Tiên cần một “danh phận” nào đó để thoát khỏi sự nhục nhã này, khôi phục lại sự tôn nghiêm đã bị tổn hại. Tức là nước này sẽ cần tới một động thái khiêu khích quy mô lớn, như phóng tên lửa đạn đạo hoặc thử nghiệm hạt nhân, để phô trương “lòng tự tôn dân tộc”. Nói tóm lại, xét trên lập trường của miền Bắc, một cuộc đàm phán hợp lý và theo hình thức thông thường là không phù hợp với nước này.


Khả năng diễn ra tiếp xúc Mỹ-Triều

Trong bối cảnh đó, việc Bắc Triều Tiên tham dự hội nghị an ninh đa phương có thể là một “tín hiệu” nào đó. Hội nghị an ninh Munich có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao thế giới, như lãnh đạo thượng đỉnh, Bộ trưởng các nước, là diễn đàn ngoại giao đa phương về các vấn đề an ninh quốc tế. Mỹ dự kiến sẽ cử Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tham dự sự kiện này. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-hwa cũng sẽ tham dự hội nghị. Việc quan chức an ninh ngoại giao cấp cao của ba nước Hàn-Triều-Mỹ cùng tập trung tại một sự kiện có thể dẫn tới khả năng diễn ra đối thoại bên lề hội nghị giữa các bên. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên quyết định tham dự sự kiện này có thể chỉ là một bước đi thăm dò, hơn là khả năng diễn ra một cuộc đối thoại ý nghĩa nào đó. Trước tiên, mặc dù Mỹ và Hàn Quốc cử Bộ trưởng Ngoại giao tham dự, nhưng Bắc Triều Tiên lại chỉ cử quan chức cấp Thứ trưởng. Thứ trưởng Kim Son-gyong còn kiêm chức vụ Cố vấn Hiệp hội Bắc Triều Tiên-châu Âu, là quan chức phụ trách quan hệ với châu Âu. Tức là miền Bắc đã lựa chọn một người không hề có liên quan tới đối thoại Mỹ-Triều tham dự sự kiện. Do đó, dù tiếp xúc giữa quan chức Mỹ-Triều có diễn ra đi chăng nữa thì hai bên cũng khó có thể đối thoại sâu về vấn đề phi hạt nhân hóa.


Do vậy, dư luận đang chú ý hơn tới khả năng diễn ra cuộc tiếp xúc cấp chuyên viên thay vì cấp cao giữa hai nước. Nếu cuộc hội đàm cấp chuyên viên diễn ra, thì quan chức hai bên có thể thăm dò lập trường của nhau, tìm kiếm các điều kiện để nối lại đối thoại. Mỹ và Bắc Triều Tiên từng thảo luận cấp chuyên viên nhằm nối lại đối thoại cấp cao tại Stockholm, Thụy Điển tháng 10 năm ngoái. Hội nghị an ninh Munich sẽ diễn ra vào giữa tháng 2 tới. Từ nay tới lúc đó vẫn còn thời gian để hai nước thảo luận tổ chức cuộc họp cấp chuyên viên bên lề sự kiện này.


Lựa chọn của ban biên tập