Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc cử binh riêng lẻ tới eo biển Hormuz

2020-01-25

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 21/1 công bố quyết định mở rộng tạm thời phạm vi hoạt động của lực lượng hải quân Cheonghae (Thanh Hải) nhằm đảm bảo an toàn cho công dân và tự do hàng hải cho tàu thuyền, cân nhắc tới tình hình khu vực Trung Đông. Theo đó, phạm vi tác chiến của lực lượng Cheonghae sẽ được mở rộng từ khu vực vịnh Aden sang vịnh Oman và vịnh Ả-rập (còn được gọi là Vịnh Ba Tư). Lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người dân và tàu thuyền dưới sự chỉ huy của quân đội Hàn Quốc.

 

Hàn Quốc cử binh riêng lẻ tới eo biển Hormuz

Như vậy, Hàn Quốc sẽ không tham gia liên minh bảo vệ tàu thuyền do Mỹ khởi xướng thành lập mang tên “Sáng kiến an ninh hàng hải quốc tế” (IMSC), thay vào đó lực lượng hải quân Cheonghae sẽ tác chiến độc lập tại eo biển Hormuz. Cho tới nay, lực lượng này đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ người dân và tàu thuyền khỏi hải tặc tại vịnh Aden.

 

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết dù tác chiến riêng lẻ, nhưng lực lượng hải quân Cheonghae sẽ hợp tác với IMSC trong các trường hợp cần thiết. Bộ quyết định sẽ cử hai sĩ quan liên lạc thuộc lực lượng này tới Sở chỉ huy “Sáng kiến an ninh hàng hải quốc tế”. Khu vực tác chiến của lực lượng hải quân Cheonghae đợt thứ 31 sẽ được mở rộng sang khu vực eo biển Hormuz. Lực lượng này hiện đang được trang bị tàu khu trục Wang Geon (DDH978) 4.400 tấn, trực thăng tác chiến trên biển Lynx, với tổng cộng 300 binh sĩ.

 

Bối cảnh

Kể từ khi căng thẳng khu vực Trung Đông leo thang vào tháng 5 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xem xét nội bộ nhiều phương án đa dạng, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo vệ an toàn cho người dân và tàu thuyền trong các tình huống nguy cấp, vận chuyển dầu thô một cách ổn định. Hàn Quốc quyết định cử binh lực riêng lẻ tới eo biển Hormuz cũng tương tự với phương án của Nhật Bản. Tokyo đã quyết định không tham gia liên minh bảo vệ tàu thuyền của Mỹ, thay vào đó cử hơn 260 binh lính, một tàu hộ vệ thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển, một trực thăng tuần tra P-3C tới eo biển Hormuz. Cử binh theo hình thức này có thể coi là phương án trung gian, vừa ưu tiên lợi ích quốc gia, vừa cân nhắc tới yêu cầu của Mỹ và quan hệ với Iran.

 

Trung bình có hơn 900 lượt tàu thuyền Hàn Quốc đi qua eo biển Hormuz hàng năm. Hơn 70% lượng dầu thô nhập khẩu của Hàn Quốc được vận chuyển qua eo biển này. Đây là địa điểm có vị trí chiến lược, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, do một phần năm lượng dầu thô tiêu thụ trên toàn thế giới đi qua eo biển này. Đảm bảo an toàn hàng hải tại eo biển Hormuz là điều thiết yếu. Chính vì vậy, quyết định cử binh tới eo biển Hormuz của Hàn Quốc là nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia. Ngoài ra, là một đồng minh của Mỹ, Seoul có nghĩa vụ gìn giữ lợi ích chung. Mặt khác, Hàn Quốc cũng cần giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Iran. Do vậy việc Seoul cử lực lượng độc lập, không tham gia liên minh của Mỹ vừa nhằm giữ vững tinh thần đồng minh Hàn-Mỹ, vừa đảm bảo mối quan hệ với Tehran.

 

Phản ứng trong và ngoài nước

Mỹ hoan nghênh quyết định của Chính phủ Hàn Quốc, cảm ơn Seoul đã chứng minh sức mạnh của quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã thông báo trước về quyết định trên cho Iran thông qua các kênh ngoại giao. Tuy nhiên, phía Iran bày tỏ lo ngại, giữ nguyên lập trường cơ bản là phản đối quân đội nước ngoài cử binh lực tới khu vực Trung Đông. Đồng thời, nước này nhấn mạnh cả hai bên cần nỗ lực để duy trì quan hệ song phương.

 

Phần lớn các đảng ở Hàn Quốc đều hiểu và tôn trọng quyết định của Chính phủ. Nhưng một số ý kiến cho rằng lẽ ra Chính phủ phải trình Quốc hội phê chuẩn trước khi quyết định. Một số tổ chức dân sự trong nước thì đưa ra lập trường phản đối, cho rằng việc cử binh tới eo biển Hormuz sẽ khiến Hàn Quốc bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh Mỹ-Iran.

Lựa chọn của ban biên tập