Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Nghi ngờ xoay quanh công bố chưa phát hiện ca nhiễm corona-19 của Bắc Triều Tiên

2020-02-13

Tin tức

Nghi ngờ xoay quanh công bố chưa phát hiện ca nhiễm corona-19 của Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên vẫn chưa phát hiện ca nhiễm dịch corona-19

Bắc Triều Tiên đã công bố chưa ghi nhận ca nhiễm corona-19 (COVID-19) nào tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi hoài nghi, bởi nước này có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh. Thêm vào đó, Trung Quốc là con đường sống duy nhất của miền Bắc trong bối cảnh nước này bị cộng đồng quốc tế cấm vận, cô lập. Trình độ, hạ tầng y tế và công tác phòng dịch của Bắc Triều Tiên được cho là còn nhiều yếu kém. Tất nhiên, có thể nói Bắc Triều Tiên có những “điểm mạnh” nhất định để phòng ngừa dịch bệnh. Miền Bắc là một xã hội khép kín nên dễ dàng đưa ra các biện pháp phong tỏa, hạn chế di chuyển, cũng như dễ dàng kiểm soát, thao túng truyền thông. Đặc biệt, Bắc Triều Tiên hầu như không có đường bay thẳng quốc tế, nên chỉ cần thiết lập mạng lưới phòng dịch với các tuyến đường đến Trung Quốc và đóng cửa biên giới là có thể kiểm soát con đường xâm nhập của dịch bệnh. Dù có bệnh nhân hoặc trường hợp nghi nhiễm, miền Bắc chỉ cần chặn đưa tin là bên ngoài sẽ không thể hay biết. Do vậy, khó có thể tin nội dung công bố của miền Bắc là nước này vẫn chưa phát sinh ca nhiễm corona-19 nào. Văn phòng Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Bình Nhưỡng nghi ngờ báo cáo của miền Bắc, nhưng không đưa ra căn cứ cụ thể. Mặc dù vậy, do đã có nhiều ý kiến nghi ngờ từ trước đó nên lập trường của FAO là có thể hiểu được.


Bắc Triều Tiên phòng dịch quyết liệt

Bắc Triều Tiên hết sức lo ngại về dịch corona-19 nên đang dốc toàn lực để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong nước. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, ngày 29/1 nhấn mạnh phòng ngừa dịch corona-19 là vấn đề liên quan tới “sự tồn vong quốc gia”. Điều này cho thấy Bắc Triều Tiên coi dịch bệnh là một mối đe dọa lớn. Trên thực tế, nước này đã thực thi các biện pháp phòng dịch hết sức quyết liệt, như phong tỏa biên giới Trung-Triều, cấm khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào trong nước. Tất cả các khách du lịch nước ngoài nhập cảnh đều phải cách ly trong vòng một tháng để theo dõi y tế. Một nguồn tin không chính thức còn cho biết tất cả các cơ quan ngoại giao nước ngoài đóng tại Bình Nhưỡng cũng đã bị phong tỏa.


Việc Bắc Triều Tiên coi công tác phòng dịch corona-19 là vấn đề liên quan tới sự tồn vong quốc gia mang nhiều ý nghĩa. Về mặt kinh tế, nước này gần như phụ thuộc tuyệt đối vào Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, việc phong tỏa biên giới, chặn giao lưu Trung-Triều sẽ khiến miền Bắc không tránh khỏi thiệt hại lớn về kinh tế. Trung Quốc đang dốc toàn lực đối phó với dịch bệnh, nên sẽ khó lòng viện trợ chính thức hoặc không chính thức cho Bắc Triều Tiên về xuất khẩu hay phòng dịch. Được biết, đời sống, kinh tế của người dân miền Bắc đang gặp thiệt hại vô cùng lớn do phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc, lưu thông ở các khu chợ trong nước. Chính quyền Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới với Trung Quốc đã khiến mạng lưới lưu thông hàng hóa này sụp đổ, giá cả tại các khu chợ tăng vọt, đời sống người dân lao đao. Việc Bắc Triều Tiên coi trọng công tác phòng dịch như vậy được phân tích là nhằm bảo vệ thể chế của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đứng trước cuộc khủng hoảng chính trị do không đối phó kịp thời, thích hợp với dịch bệnh lần này. Ban đầu, chính quyền Trung Quốc đã xem nhẹ cảnh báo về dịch corona-19, coi đây chỉ là “tin đồn”, bỏ lỡ “thời điểm vàng” trong công tác phòng dịch. Chủ tịch Tập Cận Bình đã không hề xuất hiện kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Chính quyền Trung Quốc cũng chỉ tập trung ngăn chặn những tin tức bất lợi cho đảng Cộng sản và Chính phủ nước này. Nếu vị thế chính trị của ông Tập Cận Bình, “người bảo trợ” cho Bắc Triều Tiên, bị lung lay, thì quyền lực của Chủ tịch Kim Jong-un cũng sẽ trở nên bất ổn. Khi đó, khủng hoảng kinh tế sẽ có thể kéo sập nền tảng quyền lực của ông Kim. Một số ý kiến nhận định tình hình hiện nay có thể sẽ trở thành sức ép khiến Bắc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa.




Lựa chọn của ban biên tập