Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Các đảng thúc đẩy hợp nhất để chuẩn bị cho Tổng tuyển cử 

2020-02-17

Tin tức

Các đảng thúc đẩy hợp nhất để chuẩn bị cho Tổng tuyển cử 

Bắt đầu kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 2

Trong khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 17/2 đã bắt đầu lịch trình phiên họp bất thường tháng 2, dự kiến kéo dài 30 ngày, các chính đảng đang tìm cách liên kết và chia rẽ các phe phái. Mặc dù có nhiều dư luật liên quan đến vấn đề dân sinh cần được Quốc hội nhanh chóng thông qua, nhưng vấn đề nổi cộm nhất giữa các đảng hiện nay là việc phân định khu vực bầu cử. 


Phe đối lập hợp nhất để thành lập một đảng mới

Trước hết, việc liên kết và chia rẽ các phe phái đang gần đến hồi kết. Đảng Hợp nhất Tương lai, gồm đảng đối lập lớn nhất là Hàn Quốc tự do, đảng Bảo thủ mới và đảng Hướng tới tương lai 4.0, đã chính thức ra mắt ngày 17/2. Như vậy, số ghế của đảng Hợp nhất Tương lai tại Quốc hội là 113 ghế, vì hiện tại đảng Hàn Quốc tự do đã chiếm 105 ghế, đảng Bảo thủ mới có 7 ghế và đảng Hướng tới tương lai 4.0 chiếm 1 ghế tại Quốc hội. Công cuộc hợp nhất các đảng đối lập có sự tham gia của các tổ chức dân sự ủng hộ phe bảo thủ. Mặc dù phe bảo thủ chọn hình thức thành lập một đảng mới, song trên thực tế bộ máy cơ cấu và ban lãnh đạo của đảng Hàn Quốc tự do vẫn được duy trì. Chủ tịch đảng Hợp nhất Tương lai vẫn là Chủ tịch đảng Hàn Quốc tự do Hwang Kyo-ahn, và Đại điện đảng vẫn là ông Shim Jae-chul. 8 ủy viên tối cao của đảng Hàn Quốc tự do sẽ tiếp tục giữ vai trò tương tự trong đảng mới. Trong khi đó, Tỉnh trưởng đảo Jeju Won Hee-ryong, Ủy viên tối cao đảng Bảo thủ mới Lee Jun-seok, cựu nghị sĩ Kim Yeong-hwan, ủy viên tối cao đảng Hướng tới tương lai 4.0 Kim Weon-seong cũng được giữ chức ủy viên tối cao của đảng. Hệ thống đề cử ứng cử viên cho bầu cử Quốc hội của đảng Hợp nhất Tương lai tiếp tục duy trì hệ thống của đảng Hàn Quốc tự do, chỉ bổ sung thêm một số ủy viên. Như vậy, đảng bảo thủ lớn nhất đã được khôi phục sau khi bị chia rẽ sâu sắc do vụ việc cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội và phế truất.


Các đảng đối lập khác cũng tìm cách liên minh để tăng cường sức ảnh hưởng

Mặt khác, cựu nghị sĩ Ahn Cheol-soo đang thúc đẩy ra mắt đảng “Quốc dân”, trong khi một số đảng khác xúc tiến thành lập đảng Hợp nhất Dân chủ. Được biết, đảng Quốc dân theo đuổi quan điểm trung lập và sẽ chính thức ra mắt ngày 23/2 tới. Tuy nhiên, đảng này có số ghế dưới 20 trong Quốc hội nên không thể đàm phán và hưởng quyền phủ quyết. Đảng Hợp nhất Dân chủ là một chính đảng thành lập bởi đảng Tương lai chính nghĩa và hai đảng có “căn cứ địa” tại tỉnh Jeolla. Nếu ba đảng nhất trí hợp nhất thì sẽ chiếm 28 ghế tại Quốc hội. Trong số đó, có 7 nghị sĩ thuộc phe thân ông Ahn Cheol-soo có khả năng ra khỏi đảng. Mặc dù vậy, đảng Hợp nhất Dân chủ vẫn còn đủ hơn 20 ghế để có quyền đàm phán tại Quốc hội. Như vậy, các đảng trước đó cùng chung khẩu hiệu “Xây dựng nền chính trị mới” đã bị chia rẽ và đang tìm đường lối riêng. Nếu đảng Hợp nhất Dân chủ được ra mắt thì Quốc hội Hàn Quốc sẽ có ba nhóm đàm phán là đảng Dân chủ đồng hành, đảng Hợp nhất Tương lai và đảng Hợp nhất Dân chủ. Cộng thêm hai đảng là đảng Quốc dân và đảng Chính nghĩa thì Hàn Quốc có 5 đảng hoạt động tại Quốc hội. Ngoài ra, đảng Hàn Quốc tương lai chiếm 5 ghế nhưng đây rõ ràng là đảng “vệ tinh” của đảng Hàn Quốc tự do, ra mắt với mục đích giành ghế nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri, nên trên thực tế đảng này thuộc đảng Hợp nhất Tương lai mới ra mắt của phe bảo thủ. Dù có thể coi đảng vệ tinh là những đảng chỉ thành lập vì Tổng tuyển cử sắp tới, nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến việc thông qua các dự luật trong kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 2. Đặc biệt, sự tham gia của đảng mới có thể xoay chuyển cục diện phân định khu vực bầu cử, vấn đề gây bất đồng ý kiến quyết liệt nhất tại Quốc hội.

Lựa chọn của ban biên tập