Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Nhà máy điện nguyên tử của Hàn Quốc xuất khẩu sang UAE sắp đi vào hoạt động

2020-02-18

Tin tức

Nhà máy điện nguyên tử của Hàn Quốc xuất khẩu sang UAE sắp đi vào hoạt động

Dự án nhà máy điện nguyên tử Barakah

Dự án nhà máy điện nguyên tử Barakah ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) là dự án xây dựng 4 nhà máy điện nguyên tử mô hình APR1400 của Công ty Thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP). Địa điểm xây dựng nhà máy là khu vực Barakah, cách thủ đô Abu Dhabi khoảng 270km về phía Tây. Liên danh Tổng công ty điện lực Hàn Quốc (KEPCO), công ty xây dựng Hyundai, và công ty xây dựng và thương mại Samsung đã trúng thầu dự án nhà máy điện nguyên tử Barakah tổng công suất 5.600 MW năm 2009, với giá trị hợp đồng 18,6 tỷ USD. Năm 2017, nhà máy điện số 1 công suất 1.400MW hoàn tất xây dựng và được lên kế hoạch vận hành thử. Song, Chính phủ UAE đã nhiều lần trì hoãn cấp phép, với lý do an toàn và nhân lực chưa được đào tạo để vận hành nhà máy điện nguyên tử. Mới đây, Cơ quan quy chế năng lượng nguyên tử (FANR) của UAE đã phê chuẩn giấy phép vận hành nhà máy điện hạt nhân Barakah trong vòng 60 năm, theo đó đơn vị vận hành là công ty năng lượng Nawah sẽ bắt đầu nạp nhiên liệu cho nhà máy. Chính phủ UAE cho biết nhà máy điện nguyên tử Barakah số 1 sẽ chính thức đi vào sản xuất trong vòng vài tháng tới. Trong khi đó, công trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử Barakah số 2 đã đạt 95% tiến độ, và đã bắt đầu đề nghị cấp phép vận hành. 


Ý nghĩa của việc vận hành nhà máy điện nguyên tử Barakah số 1

Nhà máy điện nguyên tử Barakah là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại khu vực Trung Đông, cững là lần đầu tiên Hàn Quốc xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử sang nước ngoài. Do đó, việc vận hành nhà máy điện nguyên tử Barakah số 1 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Hàn Quốc và UAE, mà cả về lịch sử của các nhà máy điện nguyên tử thế giới. Tức là thông qua đây, nhà máy điện nguyên tử mô hình Hàn Quốc có thể củng cố sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và đẩy mạnh xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử sang các nước khác. Tháng 6 năm ngoái, Hàn Quốc và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) cùng tham gia các dự án nhà máy điện hạt nhân ở các nước thứ ba. Hai nước thống nhất phát triển mô hình hợp tác, tức là kết hợp công nghệ kỹ thuật của Hàn Quốc với kinh nghiệm xúc tiến các dự án quy mô lớn của UAE, để tìm kiếm cơ hội xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử.


Seoul tiến vào thị trường xây dựng nhà máy điện nguyên tử thế giới 

Trong một tin liên quan, Hàn Quốc có khả năng sẽ thắng thầu dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Bulgaria. Tháng 12 năm ngoái, Hàn Quốc đã được chọn là một trong ba ứng cử viên tranh thầu của dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử Belene ở Bulgaria, nhà máy điện hạt nhân thứ hai của nước này. Hiện vẫn còn nhiều giai đoạn quyết định Hàn Quốc có thắng thầu hay không, nhưng việc này đã cho thấy công nghệ kỹ thuật xây dựng nhà máy điện nguyên tử của Seoul đang được đánh giá cao. Nếu trúng thầu, Hàn Quốc có thể tận dụng dự án này làm bàn đạp để xúc tiến xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử sang các nước châu Âu. Công ty Thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) đã nộp hồ sơ đề nghị tham gia dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới ở Kazakhstan vào tháng 5 năm 2019. Seoul cũng từng tham gia đấu thầu dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử Sinop ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013, nhưng đã thất bại. Tuy nhiên, đơn vị trúng thầu dự án này là liên danh Chính phủ Nhật Bản và Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi lại tuyên bố ngừng kế hoạch xây dựng nhà máy điện vì ước tính lợi nhuận thấp. Do đó, Seoul lại một lần nữa xúc tiến kế hoạch tham gia dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử Sinop, nhà máy điện hạt nhân thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ. Công nghệ kỹ thuật xây dựng nhà máy điện nguyên tử của Hàn Quốc nổi tiếng và đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tăng cường hỗ trợ phát triển lĩnh vực này, như đề ra phương án nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu nhà máy điện nguyên tử đối với toàn bộ quá trình xây dựng, vận hành và dỡ bỏ nhà máy điện.

Lựa chọn của ban biên tập