Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc phóng thành công vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh quan trắc môi trường đầu tiên thế giới

2020-02-22

Tin tức

ⓒYONHAP News

Vào 7 giờ 18 phút sáng 19/2 (giờ Hàn Quốc), vệ tinh quan trắc hải dương và môi trường sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ trong nước “Cheollian 2B” đã được phóng thành công từ Trung tâm vũ trụ Guiana thuộc lãnh thổ Pháp ở Nam Mỹ. Theo đó, Hàn Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu vệ tinh quan trắc môi trường quỹ đạo địa tĩnh, có thể liên tục quan trắc không khí, sự thay đổi của môi trường, hải dương ở một khu vực nhất định.

 

Vụ phóng thành công

31 phút sau khi được phóng lên vũ trụ, vệ tinh Cheollian 2B đã tách khỏi tên lửa đẩy Ariane-5 ở độ cao 1.630 km. 6 phút sau, tức 7 giờ 55 phút sáng (giờ Hàn Quốc), vệ tinh đã lần đầu tiên kết nối liên lạc thành công với trạm theo dõi mặt đất ở Yatharagga, Australia. Qua lần kết nối đầu tiên, Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) xác nhận vệ tinh và các hệ thống hoạt động tốt, ổn định ở quỹ đạo chuyển tiếp hình ê-líp đúng như mục tiêu đề ra. Trong vòng hai tuần tới, vệ tinh Cheollian 2B sẽ thay đổi quỹ đạo 5 lần, đi từ quỹ đạo chuyển tiếp hình e-lip sang quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao 36.000 km. Sau khi ổn định ở quỹ đạo địa tĩnh, vệ tinh sẽ bắt đầu vận hành thử nghiệm trong vòng vài tháng. Trong khoảng thời gian đó, Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc sẽ tiến hành điều chỉnh các hệ thống quan trắc môi trường, hải dương và phần mềm chuyên dụng lắp trên vệ tinh để đạt trạng thái tối ưu nhất. Sau khi quá trình này kết thúc, vệ tinh sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ thông tin hải dương từ tháng 10, thông tin về môi trường không khí từ năm sau.

 

Cheollian 2B

Cheollian 2B là vệ tinh môi trường đầu tiên trên thế giới có thể quan trắc các vật chất ô nhiễm không khí từ quỹ đạo địa tĩnh. Vệ tinh này sẽ tiếp nhận nhiệm vụ quan trắc khí tượng, môi trường của vệ tinh Cheollian 1 phóng năm 2010. Khác với Cheollian 1, hai “anh em sinh đôi” Cheollian 2A và 2B được cải thiện mạnh mẽ về tính năng của các hệ thống lắp đặt. Do không thể cùng lúc lắp đặt nhiều hệ thống tính năng cao trên một vệ tinh, Hàn Quốc đã sản xuất thành hai vệ tinh 2A và 2B, trong đó vệ tinh 2A đảm nhận tính năng quan trắc khí tượng, vệ tinh 2B làm nhiệm vụ quan trắc môi trường, hải dương.

Vệ tinh Cheollian 2A đã được phóng vào tháng 12 năm 2018, bắt đầu cung cấp các thông tin khí tượng trên bề mặt Trái đất như nhiệt độ, mưa, tuyết từ tháng 7 năm 2019. So với vệ tinh Cheollian 1, hệ thống quan trắc khí tượng của vệ tinh 2A có độ phân giải cao gấp 4 lần, số kênh của bộ phận cảm ứng khí tượng là 16 kênh, gấp 3 lần số lượng 5 kênh của vệ tinh Cheollian 1.

Độ phân giải của hệ thống quan trắc hải dương trên vệ tinh Cheollian 2B cũng cao gấp 4 lần so với vệ tinh Cheollian 1. Cheollian 2B có thể cung cấp 26 chủng loại thông tin, gấp đôi Cheollian 1 với 13 loại. Số lượt quan trắc trong một ngày tăng từ 8 lần lên 10 lần. Ngoài ra, Cheollian 2B còn có thể quan trắc được bụi nhỏ, tính năng không có trong vệ tinh Cheollian 1. Đây là lần đầu tiên một vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh được lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường.

Vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh có tốc độ quay tương đương tốc độ tự quay của Trái đất, nên nếu nhìn từ Trái đất, vệ tinh dường như đứng yên một chỗ. Khác với các vệ tinh bay theo quỹ đạo hình e-lip, vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh có thể liên tục quan trắc một khu vực nhất định.

 

Ý nghĩa

Vệ tinh Cheollian 2B được Hàn Quốc phát triển hoàn toàn bằng công nghệ trong nước, từ khâu thiết kế, lắp ráp, đến thử nghiệm. Điều này mang ý nghĩa hết sức to lớn. Trước đây, vệ tinh Cheollian 1 được Hàn Quốc đồng phát triển với Pháp. Vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh đòi hỏi công nghệ rất khó, hiện mới có 7 quốc gia và khu vực sở hữu loại vệ tinh này là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, và Israel. Đặc biệt, đây là vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh đầu tiên được lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường. Hiện tại, Mỹ đang phát triển vệ tinh quan trắc môi trường quỹ đạo địa tĩnh mang tên “TEMPO”, dự kiến phóng năm 2022. EU cũng đang phát triển vệ tinh “Sentinel-4” và dự kiến phóng sau năm 2023. Vệ tinh Cheollian 2B sẽ cùng các vệ tinh này thiết lập hệ thống giám sát môi trường toàn cầu. Phạm vi quan trắc của vệ tinh Cheollian 2B gồm 13 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, phía Bắc Indonesia, phía Nam Mông Cổ, Philippines, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Singapore.

Lựa chọn của ban biên tập