Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Những thay đổi khi Hàn Quốc nâng cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm lên mức “nghiêm trọng”

2020-02-24

Tin tức

Những thay đổi khi Hàn Quốc nâng cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm lên mức “nghiêm trọng”

Hàn Quốc nâng cảnh báo về dịch corona-19

Chiều 23/2, Hàn Quốc đã nâng cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm lên mức cao nhất là "nghiêm trọng", trong bối cảnh số ca nhiễm corona-19 trong nước tăng chóng mặt những ngày qua. Điểm đáng chú ý nhất của mức cảnh báo “nghiêm trọng” là cho phép cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Thang cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc gồm 4 mức là “quan tâm”, “chú ý”, “cảnh giác” và “nghiêm trọng”. Thông thường, Chính phủ ban cảnh báo mức “quan tâm” khi bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện và bắt đầu lây lan tại nước ngoài. Mức thứ hai là “chú ý”, được đưa ra khi dịch bệnh xâm nhập vào trong nước. Mức thứ ba là “cảnh giác”, áp dụng khi dịch bệnh bắt đầu lây lan ở phạm vi hạn chế. Mức cao nhất “nghiêm trọng” được ban bố khi dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng khu vực và trên phạm vi toàn quốc. 


Các biện pháp đối phó dựa trên mức cảnh báo “nghiêm trọng”

Nếu ban cảnh báo mức “nghiêm trọng”, Chính phủ có thể cấm tổ chức các sự kiện quy mô lớn và xem xét phương án cho tạm nghỉ toàn bộ các lớp học tại các trường và trung tâm dạy thêm. Theo đó, sau khi nâng cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm lên mức cao nhất, Chính phủ đã quyết định lùi một tuần lịch khai giảng của toàn bộ các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường giáo dục đặc biệt trên cả nước, từ ngày 2/3 sang ngày 9/3. Đồng thời, Chính phủ có thể khuyên cáo người dân hạn chế ra ngoài và không tụ tập nơi đông người. Tức là Nhà nước có thể hạn chế quyền cơ bản của công dân trong phạm vi nhất định. Khi cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm ở mức “nghiêm trọng”, Chính phủ trung ương sẽ đảm nhiệm kiểm soát và dốc mọi nguồn lực quốc gia để sớm dập tắt dịch bệnh. Theo đó, Chính phủ đã khởi động Ủy ban phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương do Thủ tướng làm Chủ tịch. Ủy ban này sẽ là tháp kiểm soát, đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh do virus corona-19 lây lan. 

Ngoài các biện pháp hoãn lịch khai giảng của các trường học và cấm tổ chức các sự kiện quy mô lớn, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ có thể đưa ra các biện pháp mạnh tay khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch có thể yêu cầu các công ty lữ hành hạn chế bán các gói du lịch trong và ngoài nước. Bộ Địa chính và giao thông cũng có thể điều chỉnh số lượng chuyến bay, hạn chế hoạt động của phương tiện công cộng và vận chuyển hàng hóa. Bộ Hải dương và thủy sản có thể ra lệnh điều chỉnh số lượng các chuyến tàu chở khách, hạn chế tàu thuyền đi lại, và kiểm soát xuất nhập cảnh ra vào Hàn Quốc đối với những thuyền viên người nước ngoài. Cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đang hối thúc các công ty dược phẩm sản xuất thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm, còn Bộ Kế hoạch và tài chính phân bổ ngân sách đối phó với bệnh truyền nhiễm và hỗ trợ các biện pháp cần thiết. 


Nhiều ý kiến chỉ trích Chính phủ không kịp thời đưa ra biện pháp

Nguyên nhân Chính phủ vẫn duy trì cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm ở mức “cảnh giác” đến ngày 23/2 là do mặc dù số lượng ca nhiễm virus corona-19 tăng vọt nhưng chỉ lây lan trong khu vực nhất định là thành phố Daegu, liên quan tới nhà thờ giáo phái Shincheonji ở thành phố này. Song, rất nhiều người đã di chuyển khắp cả nước trong thời gian ủ bệnh, dẫn đến bùng phát dịch bệnh trên toàn Hàn Quốc. Cuối cùng, Chính phủ đã phải cân nhắc lại cơ chế kiểm dịch và nâng cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm lên mức cao nhất.

Đã có nhiều ý kiến chỉ trích Chính phủ không kịp thời nâng mức cảnh báo, bất chấp đề nghị của các chuyên gia y tế như Hiệp hội y học Hàn Quốc, với lý do mức độ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng khu vực vẫn ở giai đoạn đầu. Thêm vào đó, khi dịch corona-19 mới bắt đầu lây lan tại Trung Quốc, các chuyên gia y tế đã kêu gọi Chính phủ hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Chính phủ khi đó đã không chấp thuận đề nghị này. Đây là lần thứ hai Chính phủ Hàn Quốc nâng cảnh báo nguy cơ bệnh truyền nhiễm lên mức cao nhất, kể từ đợt dịch cúm H1N1 năm 2009. Khi dịch cúm H1N1 lây lan, Chính phủ đã sớm hoàn thành công tác tiêm phòng và tích cực sử dụng loại thuốc kháng virus. Song, hiện vẫn chưa có cách chữa trị chính thống đối với virus corona-19 như vắc-xin hay thuốc kháng virus, nên các bệnh nhân đang được điều trị theo cách chữa virus thông thường. 

Lựa chọn của ban biên tập