Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Đối phó chung toàn cầu với dịch corona-19

2020-03-07

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 3/3 (giờ địa phương) tuyên bố sẽ huy động mọi công cụ chính sách để đối phó với dịch corona-19. Ngay sau đó, các nước lớn trên thế giới đã bắt đầu có động thái đối phó chung do lo ngại dịch corona-19 có thể kéo tụt nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã lập dự thảo ngân sách bổ sung quy mô 11.700 tỷ won (9,87 tỷ USD) để khắc phục khó khăn do dịch corona-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại, vực dậy nền kinh tế.

 

Mỹ hạ lãi suất và đối phó của G7

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 3/3 (giờ địa phương) đã hạ 0,5% lãi suất cơ bản, từ mức 1,5-1,75% xuống 1-1,25%. Đây là một quyết định hết sức bất ngờ ngoài dự đoán của FED, vượt khỏi nguyên tắc thông thường là “Baby Step”, tức điều chỉnh lãi suất 0,25% mỗi lần. Đêm 2/3, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã mở cuộc họp qua video của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), sau đó phê chuẩn quyết định hạ lãi suất vào sáng hôm sau. Cuộc họp định kỳ của FOMC vốn dự kiến diễn ra ngày 18/3. Tuy nhiên, FED đã hạ lãi suất bất ngờ trước thềm cuộc họp định kỳ, điều mới xảy ra một lần duy nhất vào năm 2008, thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thêm vào đó, mức giảm lãi suất 0,5% cũng là mức giảm sâu nhất kể từ tháng 12 năm 2008. Điều này càng cho thấy FED nhận định tình hình hiện nay là hết sức nghiêm trọng.

Trước đó, cũng trong ngày 3/3, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước G7 đã họp trực tuyến, sau đó đưa ra thông cáo chung, tuyên bố sẵn sàng huy động mọi công cụ chính sách thích hợp để đối phó với dịch corona-19. Giới phân tích cho rằng “công cụ tài chính thích hợp” ở đây bao gồm hạ lãi suất cơ bản và nới lỏng định lượng. Chỉ vài giờ sau, Mỹ đã công bố hạ lãi suất cơ bản.

 

Ý nghĩa và tác động

Dự báo biện pháp hạ lãi suất mạnh tay của Mỹ sẽ khiến nhiều quốc gia khác quyết định thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong thời gian qua, nhiều nước bày tỏ lập trường thận trọng về việc hạ lãi suất, do lo ngại lãi suất giảm sẽ nới rộng mức chênh lệch lãi suất với Mỹ, gây ra các tác dụng phụ. Trong năm nay, đã có hơn 20 nước mới nổi hạ lãi suất. Dự báo sẽ có thêm nhiều quốc gia khác hạ lãi suất do diễn biến phức tạp của dịch corona-19 trên phạm vi toàn cầu. Trên thực tế, Australia, nước gặp khó khăn sau thảm họa cháy rừng quy mô lớn hồi đầu năm, ngày 3/3 vừa qua đã hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,5% nhằm đối phó dịch corona-19. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) cũng tuyên bố sẽ dốc toàn lực, như hỗ trợ vốn vay khẩn cấp, nhằm giúp đỡ các nước thành viên đối phó với dịch bệnh. Những động thái đối phó chủ động này của các nước thể hiện lo ngại dịch corona-19 sẽ tiếp tục lây lan rộng, tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, số ca nhiễm corona-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng lên hơn 10.000 người, đang có dấu hiệu trở thành đại dịch toàn cầu.

 

Đối phó của Chính phủ

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 27/2 đã mở cuộc họp của Ủy ban chính sách tiền tệ, quyết định đóng băng lãi suất cơ bản ở mức 1,25%/năm. Quyết định của BOK được cho là đã cân nhắc tới những tác dụng phụ nếu hạ lãi suất, nhằm theo dõi thêm diễn biến của dịch corona-19. Tuy nhiên, việc Mỹ hạ tới 0,5% lãi suất cơ bản đã gây áp lực lớn với BOK. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã lập dự thảo ngân sách bổ sung quy mô 11.700 tỷ won (9,87 tỷ USD), cao hơn cả quy mô ngân sách bổ sung kỷ lục đối phó với dịch Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2015. Chính phủ lo ngại tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ sụt giảm mạnh do các hoạt động kinh tế bị co hẹp bởi dịch corona-19. Ngân sách bổ sung sẽ được phân bổ để đẩy mạnh hệ thống phòng dịch, hỗ trợ thiệt hại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giới tiểu thương, khôi phục nền kinh tế địa phương, ổn định tuyển dụng, dân sinh. Với quy mô ngân sách bổ sung như trên, tổng gói tài chính để vực dậy nền kinh tế khỏi tác động từ dịch corona-19 của Chính phủ đã lên tới 31.600 tỷ won (26,66 tỷ USD).

Lựa chọn của ban biên tập