Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Báo cáo nhân quyền Bắc Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ

2020-03-14

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/3 (giờ địa phương) đã công bố “Báo cáo nhân quyền theo từng quốc gia năm 2019”, hai năm liên tiếp không đề cập trách nhiệm của chính quyền miền Bắc đối với thực trạng nhân quyền tại nước này. Dư luận cho rằng động thái này của Mỹ là nhằm tránh kích động sự phản đối của Bắc Triều Tiên về vấn đề nhân quyền, trong bối cảnh đối thoại Mỹ-Triều vẫn đang bế tắc.

 

Báo cáo nhân quyền miền Bắc

Trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, phần đánh giá tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên dài 28 trang. Điểm đáng chú ý đầu tiên là Washington không trực tiếp nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền miền Bắc đối với vấn đề nhân quyền của nước này. Trong báo cáo năm 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định người dân Bắc Triều Tiên đã phải chịu đựng sự xâm hại nhân quyền tàn bạo của Chính phủ, qua đó nhấn mạnh trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo miền Bắc. Tuy nhiên, trong báo cáo năm 2018 và 2019 đều thiếu đi nội dung này.

Trong báo cáo năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ quy kết Bắc Triều Tiên là quốc gia độc tài do gia tộc họ Kim nắm quyền kể từ năm 1949. Sau đó, báo cáo liệt kê các nội dung cụ thể về tình hình nhân quyền “trầm trọng” tại miền Bắc. Cụm từ “trầm trọng” (significant) không được đề cập trong các báo cáo trước đó, phần nào “bù đắp” cho phần quy kết trách nhiệm của chính quyền Bình Nhưỡng bị thiếu sót. Bộ Ngoại giao Mỹ liệt kê các ví dụ xâm hại nhân quyền tại miền Bắc là cố ý giết người trái phép, cưỡng bức mất tích, tra tấn, giam cầm trái phép, các cơ sở giam giữ uy hiếp tới tính mạng người dân như trại giam dành cho tù nhân chính trị. Như vậy, mặc dù không trực tiếp nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền miền Bắc, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ rõ rằng bộ máy lãnh đạo nước này phải chịu trách nhiệm về những hành vi xâm hại nhân quyền.

 

Các hành vi xâm hại nhân quyền tại miền Bắc

Trong báo cáo năm 2019, Bộ Ngoại giao Mỹ phân tích tình hình nhân quyền tại Bắc Triều Tiên theo 7 hành vi. Trong đó, Washington đề cập tới vụ việc sinh viên người Mỹ Otto Frederick Warmbier bị chính quyền miền Bắc giam giữ 17 tháng rồi trao trả về nước trong tình trạng hôn mê, và qua đời chưa đầy một tuần sau đó năm 2017. Báo cáo chỉ ra rằng sinh viên này đã bị chính quyền miền Bắc giam giữ một cách vô lý, bất công. Bắc Triều Tiên cũng không biện minh gì sau khi người này qua đời. Ở hành vi “tước đoạt sinh mệnh và sát nhân”, báo cáo chỉ ra rằng truyền thông thế giới đã đưa nhiều tin tức về việc Chính phủ và quan chức miền Bắc cố ý giết người bất hợp pháp. Ngoài ra, căn cứ theo tường thuật của những người tị nạn miền Bắc, Chính phủ Bắc Triều Tiên đã hành quyết những phạm nhân chính trị, cưỡng chế trục xuất với những người xin lưu vong. Về hành vi “tra tấn”, báo cáo cho biết rất nhiều người tị nạn và các tổ chức phi chính phủ tố cáo rằng Bình Nhưỡng đã sử dụng các hình thức tra tấn trong trại giam. Đối với hành vi “mất tích”, báo cáo cho biết nhiều tổ chức phi chính phủ, cơ quan nghiên cứu chính sách Nhà nước, giới truyền thông để ngỏ khả năng miền Bắc phải chịu trách nhiệm về nhiều vụ bắt cóc.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Từ trước tới nay, Bắc Triều Tiên luôn một mực phủ nhận hành vi xâm hại nhân quyền trên diện rộng tại nước này, và phản ứng rất nhạy cảm trước vấn đề nhân quyền. Thay vì khẳng định những thông tin trong báo cáo trên là tự nắm bắt được, Bộ Ngoại giao Mỹ chủ yếu sử dụng phương thức trích dẫn nội dung đưa tin của truyền thông, báo cáo của các tổ chức quốc tế, cơ quan nghiên cứu, tổ chức nhân quyền, hay tường thuật của người tị nạn miền Bắc, nhằm tránh đưa ra đánh giá trực tiếp về trách nhiệm của chính quyền Bình Nhưỡng. Có thể thấy Washington đang “dịu giọng” do cân nhắc tới tiến triển đối thoại Mỹ-Triều trong thời gian tới. Mặc dù Mỹ có thể sử dụng vấn đề nhân quyền làm phương tiện gây sức ép với Bắc Triều Tiên bất cứ lúc nào, nhưng trước mắt, Washington đã lựa chọn “hạ giọng” để mở rộng cánh cửa đối thoại với Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập