Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 hoãn lại một năm

2020-03-28

Tin tức

ⓒYONHAP News

Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020, vốn dự kiến khai mạc ngày 24/7 năm nay, sẽ được hoãn tổ chức sang năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu corona-19. Trong thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vẫn chủ trương tổ chức Thế vận hội bình thường theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, sau khi một số quốc gia tuyên bố không tham dự Thế vận hội, cộng thêm nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề an toàn, cuối cùng hai bên đã quyết định hoãn Olympic lại một năm.

 

Hoãn Thế vận hội lần đầu tiên trong lịch sử

Ngày 24/3, 122 ngày trước thềm khai mạc Olympic Tokyo 2020, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Chủ tịch IOC Thomas Bach đã điện đàm, nhất trí “hoãn một năm” Thế vận hội. Hai bên đồng tình rằng không thể tổ chức Olympic, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, khi dịch corona-19 còn chưa kết thúc. Trước đây, từng có trường hợp Thế vận hội bị hủy do chiến tranh, nhưng đây là lần đầu tiên sự kiện này bị hoãn trong 124 năm lịch sử Olympic. Với quyết định trên, Tokyo sẽ phải dừng toàn bộ công tác chuẩn bị cho Olympic. Trước đó, ngọn đuốc Olympic đã được đưa tới Nhật Bản. Nhưng do Thế vận hội đã bị hoãn lại, nên sự kiện rước đuốc Olympic tại Nhật Bản, theo lịch trình là từ ngày 26/3, cũng đã bị hủy.

 

Bối cảnh

Trước đó, dư luận đều dự đoán Nhật Bản sẽ khó tổ chức Thế vận hội theo đúng kế hoạch. Dịch corona-19 sau khi bùng phát tại Trung Quốc đã lây lan sang các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, rồi tiếp tục “đổ bộ” châu Âu, Mỹ, khiến nhiều quốc gia nối tiếp nhau đóng cửa biên giới. Sau khi Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuyên bố corona-19 là đại dịch toàn cầu ngày 11/3, người dân toàn thế giới bắt đầu rơi vào hoảng loạn. Thị trường tài chính chao đảo, Mỹ và các nước châu Âu ban lệnh đóng cửa các cửa hàng, điểm kinh doanh buôn bán, chỉ trừ siêu thị bán đồ nhu yếu phẩm và hiệu thuốc, hạn chế hoặc cấm hẳn người dân đi lại, đời sống thường ngày rơi vào trạng thái tê liệt. Tại Hàn Quốc, các giải đấu thể thao mùa đông như bóng rổ, bóng chuyền đều phải kết thúc mùa giải giữa chừng, khi còn chưa tổ chức đủ số trận đấu. Bóng chày, bóng đá cũng phải hoãn khai mạc mùa giải mới 2020. Tương tự, các giải bóng lớn của châu Âu cũng phải tạm dừng. Gần như toàn bộ làng thể thao thế giới bị tê liệt hoàn toàn.

 

Cho tới phút cuối cùng, Chính phủ Nhật Bản vẫn nhất quyết không từ bỏ hy vọng đăng cai Thế vận hội. Trước đó, nước này từng trải qua kinh nghiệm đau thương là phải hủy Thế vận hội mùa hè Tokyo 1940 do chiến tranh Trung-Nhật, tới tận năm 1964 mới được tổ chức. Không chỉ vậy, việc hoãn tổ chức Olympic sẽ gây ra tổn thất kinh tế vô cùng lớn, làm suy yếu vị thế chính trị của Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, kể từ khi WHO tuyên bố corona-19 là “đại dịch toàn cầu”, Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất cho Thế vận hội, đã để ngỏ khả năng hoãn Olympic. Canada và Úc cũng tuyên bố không tham gia Thế vận hội năm nay, khiến cục diện rơi vào tình thế không thể đảo ngược. Ngoài ra, còn phải kể tới sự phản đối mạnh mẽ của các vận động viên. Suốt thời gian qua, các vận động viên tham dự Olympic đã không thể tập huấn cả trong và ngoài nước do lệnh hạn chế xuất nhập cảnh của các nước, và các cơ sở thể thao bị đóng cửa để phòng ngừa dịch bệnh. Tất cả những yếu tố này khiến việc tổ chức Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 như bình thường trở nên bất khả thi.

 

Ảnh hưởng

Việc Thế vận hội Tokyo 2020 bị hoãn kéo theo không ít hệ lụy. Trên thực tế, công tác tái chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này sau một năm là vấn đề hết sức đau đầu. Ngoài ra, việc Thế vận hội bị hoãn sẽ tự động ảnh hưởng tới lịch trình các giải đấu thể thao thế giới quy mô lớn khác như điền kinh, bơi lội. Tại Hàn Quốc, giới thể thao lo ngại quyết định hoãn Thế vận hội sẽ gây ra hỗn loạn và trở ngại lớn tới quá trình tuyển chọn và tập huấn cho các vận động viên quốc gia. Chẳng hạn với bộ môn bóng đá có giới hạn về độ tuổi, các huấn luyện viên có thể sẽ phải đối mặt với bài toán sắp xếp lại đội hình thi đấu.

Lựa chọn của ban biên tập