Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Khởi động Tổng tuyển cử Quốc hội khóa XXI

2020-03-28

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tổng tuyển cử Quốc hội Hàn Quốc khóa XXI đã chính thức bắt đầu với hoạt động đăng ký ứng cử viên trong hai ngày 26-27/3. Ngày bầu cử chính thức là 15/4, bầu ra 300 nghị sĩ Quốc hội. Đây là đợt bầu cử đầu tiên áp dụng phiên bản điều chỉnh của cơ chế bầu cử hỗn hợp nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri với đảng (mixed member proportional), một nội dung mới trong Luật bầu cử sửa đổi được Quốc hội Hàn Quốc thông qua cuối năm ngoái.

 

Quỹ đạo chính trong Tổng tuyển cử

Công tác đăng ký ứng cử viên đã kết thúc vào 6 giờ tối 27/3. Các ứng cử viên hoàn tất đăng ký sẽ được chính thức vận động tranh cử từ ngày 2/4 tới trước 12 giờ đêm 14/4. Trước ngày 2/4, các ứng cử viên chỉ có thể vận động tranh cử theo các hình thức hạn chế được cho phép. Điểm nổi bật nhất của Tổng tuyển cử lần này là áp dụng phiên bản điều chỉnh của cơ chế bầu cử hỗn hợp nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri với đảng. Cụ thể, số nghị sĩ đại diện khu vực là 253, số nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri với đảng vẫn là 47. Trong 47 nghị sĩ đó, chỉ có 30 người được phân bổ theo tỷ lệ phiếu bầu của cử tri với đảng, thay vì phản ánh đủ 100% như "phiên bản gốc" của cơ chế này. Điểm đáng chú ý thứ hai là độ tuổi bầu cử sẽ được giảm từ 19 xuống 18 tuổi. Do đó, khác với các cuộc bầu cử trước đây, Tổng tuyển cử lần này rất khó dự đoán kết quả.

Trong thời gian qua, Hàn Quốc xuất hiện thêm nhiều đảng mới, như “đảng vệ tinh” của các đảng lớn, ra đời với mục đích giành ghế nghị sĩ theo danh sách đảng. Các đảng mới này dự kiến sẽ ảnh hưởng mạnh tới “ván bài” Tổng tuyển cử. Ngoài ra, lá phiếu của các cử tri trẻ 18 tuổi, lớp cử tri được bỏ phiếu từ Tổng tuyển cử lần này, cũng được coi là một biến số lớn. Trước cuộc bỏ phiếu chính thức sẽ là cuộc bỏ phiếu sớm dành cho cử tri tại nước ngoài, diễn ra từ ngày 1-6/4, và cuộc bỏ phiếu sớm cho cử tri trong nước từ ngày 10-11/4. Song song với Tổng tuyển cử là cuộc bầu cử địa phương bổ sung, bầu ra lãnh đạo 8 quận, huyện, 17 ủy viên hội đồng tỉnh, thành, 33 ủy viên hội đồng quận, huyện.

 

Ý nghĩa và cục diện bầu cử

Tổng tuyển cử lần này được coi là đợt đánh giá sơ bộ giữa nhiệm kỳ với chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, vừa là “bước dạo đầu” cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đại dịch corona-19 đang diễn biến nghiêm trọng trên toàn cầu cũng được coi là một biến số lớn ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng.

Mục đích ban đầu của việc áp dụng phiên bản điều chỉnh cơ chế bầu cử hỗn hợp nghị sĩ trúng cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri với đảng là nhằm giảm thiểu tác hại từ quỹ đạo chính trị gồm hai chính đảng lớn, tạo cơ hội cho các đảng nhỏ tiến vào Quốc hội, từ đó đa dạng hóa nền chính trị Hàn Quốc. Ngoài ra, chế độ này được cho là sẽ giảm số “lá phiếu chết”, tức phiếu bầu cho những ứng cử viên không đắc cử, từ đó phản ánh chính xác hơn ý kiến của cử tri. Với những lý do trên, năm ngoái, đảng Dân chủ đồng hành đã loại đảng đối lập lớn nhất Quốc hội là đảng Hàn Quốc tự do, liên minh với các đảng đối lập khác tiến hành sửa đổi Luật bầu cử. Đáp lại, đầu năm nay, đảng Hàn Quốc tự do đã thành lập đảng vệ tinh mới với mục đích giành về nhiều nhất số ghế nghị sĩ đắc cử theo tỷ lệ ủng hộ của cử tri với đảng. Trước mối đe dọa này, đảng Dân chủ đồng hành cũng đã lập ra một đảng vệ tinh với mục đích tương tự.

 

Sau đó, đảng Hàn Quốc tự do đã hợp nhất với một số đảng theo đường lối bảo thủ khác, thành lập đảng Hợp nhất Tương lai. Trong khi đó, phe tiến bộ cũng lập ra một liên minh với trọng tâm là đảng vệ tinh của đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành. Trước các động thái này, vị thế đảng Vì nhân dân của cựu nghị sĩ Ahn Cheol-soo đã bị thu hẹp lại. Trước đó, ông Ahn từng tuyên bố sẽ cùng đảng Công lý theo đuổi một nền chính trị tiến bộ thực sự. Rốt cuộc, mục đích ban đầu của việc sửa đổi Luật bầu cử đã bị lu mờ, Tổng tuyển cử lần này biến thành cuộc đối đầu giữa liên minh phe tiến bộ và phe bảo thủ.

 

Biến số

Lần này, cả đảng Dân chủ đồng hành và đảng Hợp nhất Tương lai đều lặp lại tình trạng thường thấy trước mỗi đợt Tổng tuyển cử, như thành lập đảng vệ tinh, ồn ào trong quá trình tiến cử ứng viên. Đặc biệt, đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành trước đó từng kịch liệt phê phán việc các đảng bảo thủ hợp nhất và thành lập đảng vệ tinh là hành vi “trái với luân thường đạo lý”. Thế nhưng sau khi cảm thấy mối nguy lớn, đảng này lại bước vào đúng con đường tương tự. Do vậy, dư luận đang quan tâm cử tri sẽ phán xét hành vi của đảng Dân chủ đồng hành ra sao thông qua lá phiếu Tổng tuyển cử sắp tới.

 

Ban đầu, Chính phủ đương nhiệm bị chỉ trích là đã thất bại trong giai đoạn đầu đối phó với dịch corona-19. Tuy nhiên, tình hình đã đảo ngược sau khi dịch bệnh lan rộng với tốc độ chóng mặt tại cả châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, tình trạng kinh tế đóng băng có thể là yếu tố bất lợi cho phe cầm quyền trong cuộc bầu cử. Tuy nhiên gần đây, Chính phủ đã công bố một loạt đối sách quyết liệt để đối phó với cú sốc kinh tế từ đại dịch corona-19, nên vẫn còn sớm để phán đoán phe cầm quyền sẽ gặp bất lợi hay không. Tổng tuyển cử càng tới gần thì cuộc đối đầu giữa phe cầm quyền và đối lập càng trở nên sâu sắc hơn, khó phân “cao thấp” giữa một bên kêu gọi cử tri ủng hộ Chính phủ và một bên kêu gọi phán xét Chính phủ đương nhiệm.

Lựa chọn của ban biên tập