Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc công bố gói hỗ trợ khẩn cấp cho 70% hộ gia đình cả nước

2020-04-04

Tin tức

ⓒYONHAP News

Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hỗ trợ tối đa 1 triệu won (807 USD) cho 70% hộ gia đình thu nhập thấp đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19 (theo thứ tự từ trên xuống trong tổng số hộ gia đình cả nước). Tổng quy mô gói hỗ trợ khẩn cấp này là 9.100 tỷ won (7,35 tỷ USD), trong đó 7.100 tỷ won (5,74 tỷ USD) được huy động từ ngân sách bổ sung đợt hai, 2.000 tỷ won (1,61 tỷ USD) do chính quyền các địa phương cùng chia sẻ.


Gói hỗ trợ khẩn cấp

Chính phủ Hàn Quốc ngày 30/3 đã mở cuộc họp lần ba của Hội đồng kinh tế khẩn cấp do Tổng thống Moon Jae-in chủ trì, ra quyết định về gói hỗ trợ khẩn cấp nói trên. Trọng tâm của gói hỗ trợ lần này là Chính phủ chi trả tiền trợ cấp theo đơn vị hộ gia đình cho 14 triệu hộ, tương đương 70% tổng số hộ gia đình trên cả nước. Số tiền hỗ trợ cụ thể là 400.000 won (323 USD) với gia đình một thành viên, 600.000 won (484 USD) với gia đình hai thành viên, 800.000 won (646 USD) với gia đình ba thành viên và 1 triệu won (807 USD) với gia đình trên 4 thành viên. Tiêu chuẩn nhận hỗ trợ là thu nhập dưới 2.640.000 won (2.132 USD) với hộ gia đình một thành viên, dưới 4.490.000 won (3.626 USD) với hộ gia đình hai thành viên, dưới 5.810.000 won (4.692 USD) với hộ gia đình ba thành viên và dưới 7.120.000 won (5.750 USD) với hộ gia đình 4 thành viên. Phương thức chi trả là bằng phiếu mua hàng đang được sử dụng tại mỗi địa phương hoặc tiền điện tử. Chính phủ dự kiến lập ngân sách bổ sung đợt hai quy mô 7.100 tỷ won (5,74 tỷ USD) thông qua tái cơ cấu chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, dự kiến phương án này là không đủ, nên Chính phủ sẽ không tránh khỏi phải phát hành trái phiếu bù đắp thâm hụt ngân sách.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Quyết định tung gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ là nhằm hỗ trợ tầng lớp thu nhập thấp, kích thích tiêu dùng trong bối cảnh toàn bộ các hoạt động kinh tế đang bị co hẹp vì tác động của đại dịch COVID-19. Dịch COVID-19 đang làm toàn bộ nền kinh tế thế giới đóng băng, có thể gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dự báo các nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm trong năm nay. Nhiều quốc gia đang đồng loạt đưa ra chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn chưa từng thấy. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã tung gói kích thích kinh tế quy mô bằng 7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng vẫn chưa đủ, dẫn tới phải lập thêm gói hỗ trợ khẩn cấp cho tầng lớp yếu thế, đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất do tác động của dịch COVID-19.

 

Đối tượng được hưởng hỗ trợ khẩn cấp lần này bao gồm cả 1.687.000 hộ gia đình có thu nhập trung bình và các hộ được hưởng trợ cấp thu nhập cơ bản, đối tượng hưởng hỗ trợ từ ngân sách bổ sung đợt một. Theo đợt hỗ trợ lần một, tùy theo số thành viên trong gia đình, các hộ này sẽ được nhận từ 100.000 won (80 USD) đến 350.000 won (282 USD) mỗi tháng trong vòng 4 tháng, hộ gia đình 4 thành viên có thể nhận được tối đa 1.400.000 won (1.130 USD). Nếu bao gồm khoản tiền chi trả từ gói hỗ trợ khẩn cấp lần này, số tiền tối đa một hộ gia đình 4 thành viên có thể nhận lên tới 3.200.000 won (2.584 USD).

 

Tranh cãi

Nhìn chung, xã hội đều chung nhận định mục đích của gói hỗ trợ khẩn cấp là hỗ trợ cho tầng lớp yếu thế và vực dậy nền kinh tế, nhưng cũng có không ít tranh cãi. Biện pháp hỗ trợ của Chính phủ xung đột với chính sách hỗ trợ mỗi địa phương đang xúc tiến, gây ra hỗn loạn. Các địa phương phản đối yêu cầu gánh vác 20% ngân sách triển khai của Chính phủ. Thêm vào đó, việc Chính phủ công bố phương hướng trợ cấp trước vào ngày 30/3, rồi tới ngày 3/4 mới thông báo tiêu chuẩn tính toán đối tượng hưởng hỗ trợ là mức đóng bảo hiểm y tế, khiến nhiều ý kiến chỉ trích đây là một bước đi quá nóng vội. Phe đối lập chỉ trích đây là chính sách nhằm lấy lòng cử tri trong bối cảnh Tổng tuyển cử 15/4 đang tới gần. Ngoài ra, một số ý kiến hoài nghi chính sách kiểu “chắp vá” này liệu có giúp Hàn Quốc vượt qua được thời kỳ khó khăn hay không. Chính phủ đặt mục tiêu nhanh chóng lập dự thảo ngân sách bổ sung đợt hai để trình lên Quốc hội trong thời gian sớm nhất, thông qua trong tháng 4, ngay sau đợt Tổng tuyển cử, và bắt đầu chi trả cho người dân trong tháng 5.

Lựa chọn của ban biên tập