Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hiệu quả của gói hỗ trợ khẩn cấp toàn dân khắc phục dịch COVID-19

2020-05-30

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Hành chính và an toàn Hàn Quốc cho biết từ ngày 4-26/5, đã có 20.820.000 hộ gia đình được chi trả khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân của Chính phủ nhằm khắc phục đại dịch COVID-19, tương đương 96% đối tượng thụ hưởng, với tổng số tiền chi trả là 13.128,1 tỷ won (10,6 tỷ USD). Việc Chính phủ nhanh chóng chi trả tiền hỗ trợ cho người dân đã tạo ra nhiều hiệu quả rõ rệt, điển hình là cải thiện xu hướng giảm doanh thu của các tiểu thương, chợ đầu mối truyền thống, và chỉ số tâm lý tiêu dùng tăng trở lại.

 

Tình hình chi trả

92% tổng quy mô ngân sách hỗ trợ khẩn cấp toàn dân 14.244,8 tỷ won (11,5 tỷ USD) đã đến tay người dân. Tiền hỗ trợ được chi trả theo nhiều hình thức khác nhau, như nạp vào thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, thẻ trả trước của người dân, hay phát phiếu mua hàng. Người dân chỉ có thể sử dụng khoản hỗ trợ này tại địa phương đăng ký địa chỉ cư trú hiện tại và mua sắm tại các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, chợ đầu mối truyền thống, không được dùng tại trung tâm thương mại, siêu thị lớn, cơ sở vui chơi giải trí, trang web mua sắm trực tuyến, trung tâm đồ điện tử lớn.

Trong các hình thức chi trả, hình thức nạp tiền vào thẻ tín dụng và thẻ thanh toán chiếm tỷ lệ cao nhất (hơn 66%), tiếp đó là bằng tiền mặt (13%), thẻ trả trước (10%), và phiếu mua hàng (6,5%). Người dân có thể đăng ký nhận hỗ trợ trên trang chủ của công ty phát hành thẻ hoặc quầy giao dịch của ngân hàng liên kết với công ty phát hành thẻ tới hết ngày 5/6. Sau ngày này, người dân vẫn có thể đăng ký nhận hỗ trợ bằng hình thức phiếu mua hàng và thẻ trả trước tại trụ sở xã, phường cư trú.

 

Hiệu quả kích cầu tiêu dùng

Khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân của Chính phủ đang cho thấy những hiệu quả rõ nét về kích cầu tiêu dùng, góp phần cải thiện xu hướng giảm doanh thu của các tiểu thương và chợ đầu mối truyền thống trên cả nước. Từ ngày 3/2, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm đã tiến hành điều tra doanh thu hàng tuần của 300 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và 220 chợ đầu mối truyền thống trên cả nước. Kết quả điều tra ngày 25/5 (tuần thứ 17) cho thấy mức giảm doanh thu của các chợ đầu mối truyền thống là 40%, giới tiểu thương là 45,3%, thấp hơn lần lượt 12% và 6% so với kết quả điều tra tuần trước đó, thấp hơn nhiều so với mức giảm sâu kỷ lục 69,2% ngày 6/4.

Xét theo từng địa phương, xu hướng giảm doanh thu có chiều hướng cải thiện trên toàn quốc trừ thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19. Xét theo ngành nghề kinh doanh, cải thiện doanh thu thể hiện rõ nét nhất ở lĩnh vực nông thủy sản, chăn nuôi, cửa hàng ăn uống. Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm phân tích xu hướng hồi phục trên đã phản ánh hiệu quả của khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân.

 

Chỉ số tâm lý tiêu dùng tháng 5 và dự báo

Một điểm đáng chú ý là chỉ số tâm lý tiêu dùng đã tăng trở lại trong tháng 5. Trong báo cáo “Xu hướng tiêu dùng tháng 5” do Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) công bố ngày 26/5, chỉ số tâm lý tiêu dùng tổng hợp (CCSI) đạt 77,6 điểm, tăng 6,8 điểm so với tháng 4. Điều này cho thấy tâm lý tiêu dùng đã hồi phục sau một thời gian đóng băng vì đại dịch COVID-19. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc phân tích các yếu tố khiến tâm lý tiêu dùng hồi phục là tốc độ lây lan của COVID-19 chậm lại, Chính phủ nới lỏng “giãn cách xã hội”, các hoạt động kinh tế được nối lại, và các chính sách tài chính tích cực như khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân.

Mặc dù đã tăng trở lại nhưng chỉ số tâm lý tiêu dùng hiện vẫn ở mức thấp, tương tự mức 77,9 điểm tháng 10 năm 2008, thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giới phân tích nhận định vẫn còn quá sớm để kỳ vọng về một xu hướng hồi phục vững vàng, do đó Chính phủ cần tích cực thực hiện tiếp các chính sách tài chính mở rộng.

Lựa chọn của ban biên tập